Cần quan tâm tới đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tiếp tục diễn đàn Lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Báo Thanh Hóa xin giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến của cán bộ, Nhân dân trong tỉnh.
Ông Hà Văn Tế - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng TN&MT huyện Mường Lát: Xem xét việc cho thuê đất thu tiền một lần
Đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trước hết tôi đánh giá cao dự thảo lần này đã bổ sung nhiều chính sách về đất đai đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, được thể hiện ở các Điều 17, Điều 52, Điều 175.
Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu dự thảo áp dụng vào thực tiễn địa phương, có một số điểm chưa phù hợp xin được đóng góp ý kiến như: Điều 120 dự thảo quy định về cho thuê đất. Tại điểm a khoản 2 Điều này quy định: Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối thì được Nhà nước cho thuê đất, thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê là chưa phù hợp. Việc đầu tư vào lâm nghiệp cần có thời gian dài, phù hợp với chu kỳ phát triển của cây lâm nghiệp, bên cạnh đó cũng có những rủi ro khi đầu tư vào lâm nghiệp do cháy rừng, bị chặt phá, lấn, chiếm rừng… Đề nghị nên quy định thu tiền thuê đất hàng năm để tạo động lực cho nhà đầu tư yên tâm sản xuất, tạo sản phẩm; những năm đầu trồng rừng sẽ chưa có sản phẩm, nếu thu tiền thuê cho cả thời gian thuê thì nhà đầu tư sẽ rất khó khăn về vốn.
Khoản 3 điều 118 quy định về giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với người sử dụng đất để quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Đề nghị cần phân biệt rõ chỉ giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với tổ chức được Nhà nước giao quản lý rừng. Đối với tổ chức kinh tế hoạt động chủ yếu vì lợi nhuận hoặc hộ gia đình, cá nhân có hoạt động kinh doanh, thu lợi nhuận từ rừng thì không nên áp dụng quy định này.
Khoản 3 Điều 165 quy định về thời hạn sử dụng đất giao cho người sử dụng đất (cộng đồng dân cư, đơn vị lực lượng vũ trang, ban quản lý rừng…) để quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất ổn định, lâu dài: Đề nghị cần quy định thời gian cụ thể, phù hợp với chu kỳ sinh trưởng của cây lâm nghiệp và tránh thời hạn giao lâu dài, dẫn đến đầu cơ đất, coi đất đó là sở hữu của mình, trong khi người dân sinh sống ở rừng, gần rừng không có đất sản xuất tạo sinh kế.
Ông Vi Văn Thuân, Trưởng bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát: Nên có những chính sách linh loạt về đất rừng để bà con thiếu đất sản xuất phát triển kinh tế
Bản Poọng, xã Tam Chung từ khi được thành lập chỉ có 28 hộ sinh sống, đến nay toàn bản có 92 hộ gia đình, với tổng số 410 nhân khẩu. Tổng diện tích tự nhiên 874 ha, trong đó đất trồng cây hàng năm 10 ha, đất trồng lúa nước 5,5 ha...
Từ thực tiễn sử dụng đất ở địa phương, cá nhân có một số ý kiến đề xuất đó là, việc giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với tạo sinh kế và tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số (các Điều 178, 179, 180) đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung quy định cho người dân kết hợp trồng cây lâu năm, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, có lợi thế của địa phương vào Dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, về việc quản lý sử dụng đất rừng, đất có nguồn gốc nông, lâm trường, điểm c khoản 2 Điều 175 đề nghị bổ sung thêm diện tích đất thu hồi đối với diện tích sử dụng không có hiệu quả. Thu hồi diện tích đang cho thuê, cho mượn trái pháp luật; bị lấn, chiếm, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư không đúng quy định để tạo quỹ đất theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 111 của Dự thảo Luật cũng như đối với phần diện tích nông, lâm trường đang quản lý sử dụng không có hiệu quả.