Cần quan tâm tới tài chính cho các cơ quan báo chí
Công tác báo chí năm 2023 đã tốt hơn năm trước rất nhiều trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhanh hơn, kịp thời hơn, và sâu sắc hơn, có sự chia sẻ hơn.
Ngày 21/12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, năm 2023 đã qua đi với rất nhiều khó khăn, thách thức kể cả bên ngoài lẫn bên trong. Tuy nhiên, trên rất nhiều phương tiện truyền thông báo chí trong và ngoài nước đánh giá năm 2023 Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn rất quan trọng và khó quên.
“Những thành tích đạt được rất đáng khích lệ, có thể chưa đạt được như mong muốn nhưng đủ để làm ấm lòng tất cả mọi người để có thể bước tiếp chặng đường đầy gian nan trong năm 2024”-Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, trong lĩnh vực báo chí, nhìn chung công tác báo chí năm 2023 đã tốt hơn năm trước rất nhiều trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhanh hơn, kịp thời hơn, và sâu sắc hơn, có sự chia sẻ hơn. Có những bài viết phóng sự rất xúc động, khả năng cạnh tranh cũng có tiến bộ rất đáng kể. Công tác quản lý ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Tuy nhiên Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, báo chí còn sai phạm, ở đâu đó còn kiểu giật tít, có bài báo không có trách nhiệm. Vai trò của cơ quan chủ quản rất mờ nhạt, thậm chí buông lỏng. Vấn đề chuyển đổi số rất chậm, số lượng cơ quan báo chí chuyển đổi số ở mức kém chiếm đến 63%.
Nhấn mạnh năm 2024 khó khăn theo nhận định còn rất nhiều, diễn biến thế giới và trong nước có những cái chúng ta chưa đoán định được. Nhưng có 2 điều ảnh hưởng lớn đó là sự phát triển của khoa học công nghệ, chat GPT, công nghệ AI biến đổi khí hậu nhanh bất thường đang ảnh hưởng lớn tới người làm báo. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, các cơ quan báo chí cần đồng hành tốt hơn nữa, kịp thời hơn chia sẻ với những khó khăn trong xã hội, trách nhiệm hơn trong định hướng dư luận. Vì gắn liền với đó là niềm tin, sức mạnh tinh thần.
Đối với cơ quan báo chí, theo Phó Thủ tướng, cần tiếp tục sắp xếp cơ quan theo kế hoạch để đạt hoàn thành mục tiêu trong năm 2025. Hiện đã xong giai đoạn 1, cố gắng thực hiện thành công đề án sắp xếp báo chí. Trong từng đơn vị cố gắng tổ chức mạnh, gọn, tinh gọn hơn, sản phẩm hấp dẫn hơn.
“Chuyển đổi số rất bất ngờ khi trong tiêu chí xếp hạng chuyển đối số có 63% cơ quan báo chí xếp loại yếu không nằm ở phần mềm, phần cứng mà nằm ở ý chí của người đứng đầu. Tôi hơi giật mình cái này. Nếu người đứng đầu không quyết tâm thì không thoát được xếp loại yếu đâu. Tăng cường khả năng cạnh tranh với phương tiện truyền thông khác ví như như mở điện thoại họ thích xen tiktok, facbook hơn là đọc báo điện tử của mình chăng?. Thứ hai là nếu không cạnh tranh thì tỷ lệ quảng cáo sẽ sụt giảm gắn liền tới hoạt động và đời sống anh em, liên quan đến chuyện cơm áo gạo tiền. Không có cách nào khác phải hay hơn, hấp dẫn hơn thì tỷ lệ quảng cáo sẽ lên”-Phó Thủ tướng nói.
Đồng thời, Phó Thủ tướng lưu ý, nhà báo phải là người tử tế. Nếu không là người tử tế thì sản phẩm chắc chắn không thể tử tế được. Tăng cường học hỏi, học hỏi đồng nghiệp ở trong và ngoài nước, học hỏi làm cho chính bản thân trách nhiệm hơn, tích cực hơn, bản lĩnh hơn.
Cơ quan chủ quản báo chí phải trách nhiệm hơn, sâu sắc hơn, tăng cường kiểm tra giám sát nhiều hơn chứ không phải chỉ là “cái danh” và “công tác cán bộ”. Thậm chí có sự mâu thuẫn sâu sắc giữa cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí do mình quản lý. Nếu như vậy không tin cơ quan này có thể vững vàng vượt qua khó khăn của sự thử thách trong quá trình sắp tới.
Về tài chính cho báo chí thì hầu như các địa phương bao cấp hầu hết cho cơ quan báo chí của mình để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đối với các cơ quan Trung ương có vẻ ngược lại, đang tự tự xoay sở và chỉ có 1 phần từ ngân sách Nhà nước có thể do đặt hàng hàng năm. Do đó về nguyên tắc sẽ có sự hài hòa giữa ngân sách nhà nước và ngân sách do chính các cơ quan báo chí tự lo liệu với nguyên tắc chúng ta sống được nhưng không triệt tiêu đi cái sự phấn đấu nỗ lực vươn lên. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 1 phần đối với đơn vị khó và chủ yếu tập trung cho hoạt động đổi mới và đào tạo.
Đưa ra ví dụ Đài PTTH Vĩnh Long có năm nộp cho ngân sách tỉnh 1200 tỷ đồng, bằng 25% tổng thu ngân sách của cả tỉnh, Phó Thủ tướng nói: “Mặt bằng cơ chế là chung, con người như nhau nhưng có những người vượt lên làm những việc tưởng như là không tưởng. Nghĩ cách sẽ có suy nghĩ tích cực hơn. Trong từng cơ quan báo chí có cơ chế chính sách để khuyến khích sự cạnh tranh tích cực trong từng nhà báo, bộ phận với nhau”.
Đối với Bộ Thông tin và truyền thông, Phó Thủ tướng đề nghị, cần quan tâm tới tài chính cho các cơ quan báo chí để thúc đẩy, khuyến khích mọi người hoạt động đúng như chúng ta mong muốn, tháo gỡ cơ chế chính sách như: cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế đặt hàng; hay thông tư 19 của Bộ Tài chính về thuế VAT, thuế Thu nhập doanh nghiệp.