Cần quy định cụ thể thời hạn giám định tư pháp
Thực tiễn 5 năm thực hiện Luật Giám định tư pháp (GĐTP) cho thấy, vì không quy định cụ thể thời hạn tối đa để giám định nên công tác giám định thường bị chậm trễ, kéo dài, gây khó khăn, vướng mắc rất lớn trong thực tế.
Nhiều vướng mắc
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho thấy, nhiều vụ GĐTP theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng phục vụ giải quyết các vụ án tham nhũng kinh tế còn bị kéo dài, có vụ cá biệt kéo dài tới 5 năm.
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV vừa qua, thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP, đa số các đại biểu quốc hội (ĐB) đều tán thành việc cần thiết phải bổ sung thời hạn giám định vì việc kéo dài có nguyên nhân là do Luật không quy định thời hạn cụ thể cho các loại GĐTP theo vụ việc.
Theo ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) giao cho cơ quan trưng cầu giám định định ra thời hạn và nếu cơ quan này tiến hành giám định không thể tiến hành đúng thời hạn thì thông báo lại và nêu rõ lý do. Nhưng Luật không quy định thời gian kéo dài giám định. Do đó, cần quy định cụ thể bảo đảm tính rõ ràng, tính khả thi và đồng bộ phù hợp với hệ thống pháp luật.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, cần cân nhắc kỹ vấn đề này, bởi nếu bổ sung quy định về thời hạn như dự thảo thì có rất nhiều vướng mắc trên thực tế. Vì, hiện nay nước ta có 3 luật tố tụng (tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính) thì đều đặt ra nguyên tắc: “Mọi hoạt động tố tụng dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải tuân theo quy định của Luật này”. Chính vì nguyên tắc của 3 đạo luật tố tụng như vậy nên từ trước đến nay, các luật giám định mặc dù được sửa qua các lần thì đều không có quy định về thời hạn giám định.
Phân tích cụ thể hơn, ĐB Thủy cho biết, qua rà soát thì vẫn thấy việc bổ sung thời hạn sẽ dẫn đến mâu thuẫn với thời hạn giải quyết án. Ví dụ, thời hạn chuẩn bị xét xử của một vụ án dân sự tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định tối đa là 3 tháng, trong khi đó tại dự thảo Luật quy định thời hạn giám định tối đa được phép 4 tháng đối với loại phức tạp (nghĩa là thời hạn giám định lại dài hơn cả thời hạn chuẩn bị xét xử). Tương tự như vậy, Điều 240 BLTTHS thì thời hạn truy tố đối với tội ít nghiêm trọng cũng với tính chất phức tạp được gia hạn là chỉ được 1 tháng nhưng thời hạn giám định ở đây lại lên đến 4 tháng.
Ngoài ra, việc quy định như vậy cũng sẽ gây khó khăn trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Bởi hiện BLTTHS đang quy định tất cả các loại gia hạn thời hạn (gia hạn thời hạn điều tra, gia hạn thời hạn tạm giam) đều phải do VKSND quyết định. Nếu đặt ra trường hợp cả thời hạn điều tra và cả thời hạn giám định cùng hết trong một thời điểm thì lại phải chờ cho cơ quan kiểm sát gia hạn thời hạn điều tra thì mới được tiếp tục gia hạn thời hạn giám định. Như vậy sẽ làm chậm vụ án.
Thời hạn giám định không quá 4 tháng
Đối với việc gia hạn giám định, ĐB Mai Thị Phương Hoa cũng cho rằng, quy định như dự thảo vẫn không rõ sẽ được gia hạn đến bao lâu. Trong một số trường hợp sẽ khiến cơ quan tiến hành tố tụng không thể thực hiện được nhiệm vụ.
“Trên thực tế, có những vụ án đến gần hết thời hạn điều tra mới phát sinh thêm vấn đề cần giám định. Trong trường hợp này để bảo đảm tính chính xác của việc đánh giá chứng cứ và vụ án, có thể đạt được sự thật khách quan, cần phải đưa đối tượng đi giám định, thậm chí phải chấp nhận tạm đình chỉ vụ án để đợi kết quả giám định. Do đó, tôi đề nghị quyết định cụ thể về thời gian được gia hạn và việc quy định này không lệ thuộc vào thời hạn điều tra, truy tố, xét xử”, bà Hoa nêu quan điểm.
Tại báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến ĐBQH tán thành quy định của dự thảo Luật. Theo Thường trực Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo, quy định thời hạn giám định như dự thảo Luật sẽ khắc phục cơ bản vướng mắc hiện nay.
Về thời hạn cụ thể, quy định thời hạn không quá 3 tháng, trường hợp phức tạp không quá 4 tháng đã được cân nhắc trên cơ sở thực tiễn hoạt động GĐTP trong các lĩnh vực: Tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông – vận tải, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ... Thời hạn cụ thể nên giao bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ vào thời hạn giám định tối đa và tính chất chuyên môn của lĩnh vực để quy định thời hạn GĐTP cho từng loại việc cụ thể.
Về việc gia hạn GĐTP, Ủy ban Tư pháp và Cơ quan soạn thảo cho rằng, yêu cầu GĐTP có thể đặt ra ở bất cứ thời điểm nào của quá trình tố tụng. “Thực tế, BLTTHS hiện hành đang quy định thời hạn GĐTP trong một số trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định không phụ thuộc vào thời hạn tố tụng. Trường hợp thời hạn tố tụng đã hết mà chưa có kết quả giám định thì vụ án sẽ được tạm đình chỉ. Như vậy, nếu buộc phải tuân theo thời hạn tố tụng sẽ khó khả thi và không bảo đảm yêu cầu của việc thực hiện GĐTP”, báo cáo nêu.
Từ các lý do trên, Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan đề nghị cho giữ quy định thời hạn GĐTP như dự thảo Luật do Chính phủ trình. Về gia hạn GĐTP, đề nghị chỉnh lý theo hướng quy định thời gian gia hạn ngắn hơn thời hạn giám định lần đầu để vừa bảo đảm cho việc thực hiện giám định, đồng thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến quá trình tiến hành tố tụng.
Điều 26a dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật GĐTP quy định về thời hạn giám định: “Thời hạn GĐTP đối với các trường hợp khác tối đa là 03 tháng. Trong trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng. Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực GĐTP căn cứ vào thời hạn giám định tối đa và tính chất chuyên môn của lĩnh vực giám định quy định thời hạn giám định cho từng loại việc cụ thể. Thời hạn giám định có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định, nhưng không quá 1/2 thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó”.