Cần quy định cụ thể với hàng hóa vi phạm bán đấu giá không thành

Đội quản lý thị trường số 12 đề xuất cần có quy định về giá khởi điểm, giá đấu giá lần hai trong trường hợp đấu giá lần đầu không thành.

Ngày 21-3, đoàn giám sát của Ban pháp chế HĐND TP.HCM có buổi làm việc với Công an quận 12 và Đội Quản lý thị trường số 12 về tình hình thực hiện công tác quản lý, bảo quản và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Chưa có nguồn kinh phí cố định để thuê kho

Báo cáo tại buổi làm việc, Thượng tá Trần Ngọc Nhứt, Phó Trưởng Công an quận 12, cho biết tính từ 1-1-2022 đến 28-2-2023 tổng số tang vật hiện đang tạm giam để trong kho xe vi phạm là 3.303 xe. Trong đó đội CSGT-TT quản lý 2.401 tang vật vi phạm hành chính (VPHC).

Công an 11 phường của quận đang tạm giữ 267 xe để tại trụ sở Công an phường; bốn đội Cảnh sát điều tra đang tạm giữ 284 xe để điều tra xử lý.

Kho tang vật có bố trí mái che, máng xối nước, có hệ thống thiết bị chiếu sáng. Ảnh: VT

Kho tang vật có bố trí mái che, máng xối nước, có hệ thống thiết bị chiếu sáng. Ảnh: VT

Kho tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC của Công an quận được xây dựng từ năm 2006, có diện tích đất 4.800 m2. Tuy nhiên, kho thường xuyên trong tình trạng quá tải, không có nơi để sắp xếp, phân loại phương tiện theo từng lô, một số hạng mục xuống cấp, không đủ đáp ứng điều kiện về tạm giữ.

Thượng tá Nhứt cho biết hiện chưa có nguồn kinh phí cố định để thuê kho, cũng như UBND quận chưa bố trí được kho bãi để chứa tang vật, phương tiện VPHC của Công an quận.

“Kinh phí thuê kho bãi bảo quản tang vật hiện đang tạm ứng từ nguồn kinh phí thường xuyên của Bộ Công an để thanh toán; sau đó sẽ được thanh toán lại từ nguồn thu bán đấu giá tang vật. Tuy nhiên, kinh phí được cấp để thanh toán chi phí bán đấu giá tang vật, phương tiện chưa kịp thời nên ảnh hưởng đến nguồn kinh phí thường xuyên của Công an quận” - Thượng tá Nhứt nói.

Thượng tá Nhứt đề xuất cần nhanh chóng có văn bản hướng dẫn về thẩm quyền phê duyệt phương án tang vật, phương tiện VPHC bị tịch thu; đồng thời có kinh phí để thanh toán chi phí thẩm định giá, xác định giá khởi điểm để bán đấu giá tang vật, phương tiện VPHC bị tịch thu.

Phương tiện chữa cháy trang bị tại kho gồm các họng nước chữa cháy vách tường, máy bơm chữa cháy chạy bằng xăng và chạy bằng điện, bình chữa cháy xách tay, bình chữa cháy xe đẩy. Ảnh: VT

Phương tiện chữa cháy trang bị tại kho gồm các họng nước chữa cháy vách tường, máy bơm chữa cháy chạy bằng xăng và chạy bằng điện, bình chữa cháy xách tay, bình chữa cháy xe đẩy. Ảnh: VT

Cần có quy định về giá khởi điểm, giá đấu giá lần hai

Tại buổi làm việc, đại diện Đội quản lý thị trường số 12 cho biết hiện vẫn còn một số vướng mắc trong quy định về thời hạn xử lý phương tiện vi phạm bị tịch thu. Điều này dẫn đến một số tài sản khi xây dựng phương án xử lý không đảm bảo thời gian theo quy định.

“Đối với tài sản là hàng hóa như vải, quần áo… thì cần kiểm nghiệm, giám định, công bố hợp quy... trước khi xây dựng phương án xử lý. Toàn bộ quy trình này mất thời gian 20-30 ngày” - vị đại diện nói và đề xuất cần có quy định phù hợp với thực tiễn triển khai.

Đoàn giám sát kiểm tra kho tạm giữ của Công an quận 12 sáng 21-3. Ảnh: VT

Đoàn giám sát kiểm tra kho tạm giữ của Công an quận 12 sáng 21-3. Ảnh: VT

Đối với hàng hóa đang lưu thông trên thị trường, theo quy định giá niêm yết cũng là một căn cứ để xác định giá trị tang vật VPHC, từ đó có thể xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt. Trong trường hợp này giá niêm yết cũng là giá để làm giá khởi điểm bán đấu giá.

“Tuy nhiên, giá này thường khó bán đấu giá thành công bởi đây là giá đã bao gồm các chi phí của người kinh doanh. Hơn nữa, khi mua hàng đấu giá thì không có bảo hành, không đổi trả, hàng hóa để lâu nên thường xuống phẩm chất, lỗi model …” - vị đại diện nói thêm.

Đối với trường hợp đấu giá lần đầu không thành thì tổ chức đấu giá lại. Tuy nhiên do chưa có quy định về giá khởi điểm đấu giá lần thứ hai có được giảm giá không, giảm giá bao nhiêu phần trăm… nên bán đấu giá lần hai vẫn phải lấy giá khởi điểm. Chính vì vậy, tỉ lệ thành công của lần hai rất ít.

Đại diện Đội quản lý thị trường số 12 đề xuất cần có quy định về giá khởi điểm, giá đấu giá lần hai trong trường hợp đấu giá lần đầu không thành; nếu sau hai lần đấu giá tài sản không thành thì cần phải thực hiện ra sao...

Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các đơn vị

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM đề nghị Công an quận 12 cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, nắm được số lượng xe đến hạn để xử lý, đảm bảo tiến độ, quy trình.

Ông đề nghị công tác PCCC phải luôn luôn đặt lên hàng đầu. Phải tìm cách khắc phục sớm nhất, nhanh nhất những vấn đề nhà kho tạm giữ phương tiện, tang vật VPHC chưa đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC.

Bà Phạm Quỳnh Anh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VT

Bà Phạm Quỳnh Anh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP.HCM đánh giá cao cách làm của Công an quận 12 và Đội quản lý thị trường số 12.

Bà đề nghị các đơn vị tập trung khắc phục các vấn đề kho bãi, kinh phí, nhân lực, những hạn chế, phức tạp trong quy trình xử lý và đề ra giải pháp khắc phục.

Bà Quỳnh Anh cho rằng những trường hợp vướng mắc trong quy định về thời hạn thực hiện hay giá bán đấu giá khởi điểm, giá bán đấu giá lần hai thì cần đề xuất, kiến nghị sớm để có hướng giải quyết kịp thời.

"Phải đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, giữa Công an quận với Đội quản lý thị trường để hỗ trợ hoặc khi có những vướng mắc, bất cập cần kịp thời kiến nghị, đề xuất giải pháp để giải quyết" - bà Quỳnh Anh nhấn mạnh.

VÕ THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-quy-dinh-cu-the-voi-hang-hoa-vi-pham-ban-dau-gia-khong-thanh-post724901.html