Cần quy định rõ chính sách tiền lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức theo đề xuất của Tổng Liên đoàn; làm rõ việc tuyển dụng, định danh và chính sách tiền lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập...

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang chủ trì xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Trong Tờ trình đề nghị xây dựng Luật gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình 3 chính sách cần sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể gồm: Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động; Hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam; Hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động 2019.

Trong đó, để hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ảnh minh họa: Công đoàn Công ty TNHH Denso Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động thể thao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động.

Ảnh minh họa: Công đoàn Công ty TNHH Denso Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động thể thao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định nhằm làm rõ việc tuyển dụng, định danh và chính sách tiền lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Bên cạnh đó, quy định cụ thể hơn hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam theo hướng: Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất, bao gồm các cấp: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cấp trung ương; cấp tỉnh, ngành trung ương; cấp trên trực tiếp cơ sở; cấp cơ sở. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về từng cấp công đoàn.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn cũng đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 14 Luật Công đoàn theo hướng tách bạch quyền giám sát của Công đoàn Việt Nam thành một quyền riêng mang tính độc lập, chủ động của Công đoàn theo hướng: “Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra; chủ động thực hiện quyền giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động”.

Lý giải cho những đề xuất này, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cho hay, công tác tổ chức cán bộ, sự phân cấp quản lý cán bộ công đoàn hiện nay chưa đảm bảo tính chủ động, độc lập cần thiết cho tổ chức công đoàn trong việc đào tạo, quy hoạch, bố trí và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ công đoàn trong bối cảnh tình hình thay đổi nhanh chóng.

Tại một số địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, tập trung đông công nhân lao động, song định biên cán bộ công đoàn lại bằng các địa phương khác (do hiện nay việc phân bổ của cơ quan có thẩm quyền đối với biên chế khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chủ yếu dựa vào số dân và số lượng đảng viên của từng địa phương, không tính đến đặc thù số lượng công nhân lao động).

Việc điều động cán bộ công đoàn có năng lực từ địa bàn có quan hệ lao động ít phức tạp sang địa bàn có quan hệ lao động rất phức tạp cũng không thể thực hiện được vì cán bộ công đoàn do cấp ủy của từng địa phương quản lý. Do đó, việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong quan hệ lao động...

Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung các vấn đề trên nhằm giảm thiểu những bất cập trong thực tế, song vẫn bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng về công tác tổ chức, cán bộ, tạo ra sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống công đoàn. Đồng thời nâng cao trách nhiệm trong quản lý biên chế; quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ công đoàn.

Mặt khác, việc trao cho Công đoàn Việt Nam quyền “giám sát” để khẳng định vai trò của Công đoàn Việt Nam với tư cách là tổ chức đại diện lớn nhất của giai cấp công nhân, tách biệt so với các tổ chức đại diện người lao động khác nhằm hướng tới xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-quy-dinh-ro-chinh-sach-tien-luong-cho-can-bo-cong-doan-chuyen-trach-tai-doanh-nghiep-152727.html