Cần quy định rõ trách nhiệm Chủ tịch UBND khi có vụ kiện hành chính

Tại khoản 1 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính hiện hành chỉ cho phép Chủ tịch UBND ủy quyền cho Phó Chủ tịch cùng cấp nhưng thực tế lâu nay phổ biến là ủy quyền cho lãnh đạo cơ quan chuyên môn, điều này không phù hợp với quy định.

Chiều 26/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (1 luật sửa 5 luật). Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo, đồng thời nêu các ý kiến cụ thể về phân định lại thẩm quyền của TAND trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, giải quyết yêu cầu phá sản, xem xét lại quyết định của trọng tài thương mại, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đặt vấn đề thành lập tòa chuyên biệt trong Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam…

Tranh luận Chủ tịch UBND bị kiện hành chính thì có phải tham dự phiên tòa?

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, Luật Tố tụng hành chính hiện hành và dự thảo luật sửa đổi, bổ sung lần này chưa có quy định chế tài xử lý các trường hợp Chủ tịch, Phó Chủ tịch hoặc người được ủy quyền không tham dự phiên tòa, không đối thoại hoặc không cung cấp chứng cứ đúng thời hạn. Trong khi đó, thực tế cho thấy rất ít vụ án có lãnh đạo UBND trực tiếp tham dự gây khó khăn cho tranh tụng và làm giảm hiệu lực xét xử.

“Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc bổ sung chế tài cụ thể để bảo đảm yêu cầu trách nhiệm và kỷ luật hành chính trong quá trình tổ chức tố tụng” – đại biểu nêu và cho rằng, tại khoản 1 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính hiện hành chỉ cho phép Chủ tịch UBND ủy quyền cho Phó Chủ tịch cùng cấp nhưng thực tế lâu nay phổ biến là ủy quyền cho lãnh đạo cơ quan chuyên môn, điều này không phù hợp với quy định.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu tại phiên họp.

Cho rằng việc ủy quyền cho người có chuyên môn tham gia phiên tòa hành chính là phù hợp, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu quan điểm, phần lớn xét xử các quyết định hành chính là của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc của UBND tỉnh thường ủy quyền cho các Phó Chủ tịch như thực tế ít ủy quyền cho Phó Chủ tịch mà thường cấp tỉnh ủy quyền cho giám đốc và cấp huyện ủy quyền cho trưởng phòng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, trong thời gian qua tổ chức thực hiện hòa giải quyết định hành chính của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện rất hiệu quả tránh việc lãnh đạo tỉnh, huyện bị “mất mặt” nếu thua kiện.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Không nhất trí với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu lần nữa cho rằng, thực tế việc thi hành án hành chính còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn đọng với lý do pháp luật còn thiếu chế tài đủ mạnh để xử lý trách nhiệm trong quá trình tố tụng hành chính, dẫn đến tình trạng phổ biến xin vắng mặt hoặc ủy quyền không đúng thẩm quyền, gây khó khăn cho tình hình tranh tụng và làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.

“Quy định ủy quyền trong tố tụng hành chính còn quá hẹp, luật hiện chỉ cho phép Chủ tịch UBND ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND trong khi thực tiễn nhiều vụ việc chuyên sâu, cần cử người đứng đầu cơ quan chuyên môn như Phòng Tài nguyên và môi trường, Phòng Tư pháp, thanh tra v.v... Tuy nhiên, những người này lại không có thẩm quyền theo luật để tham dự hợp lệ dẫn đến bị hoãn phiên tòa hoặc không bảo đảm hiệu quả tố tụng” – đại biểu nêu.

Giải trình nội dung này, Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí thừa nhận luật hiện hành chưa có chế tài rõ ràng với người có liên quan về trách nhiệm tố tụng hành chính, như trường hợp đại biểu đề cập. Nói cách khác, Viện Kiểm sát chỉ có quyền kháng nghị, tòa tuyên bản án, quyết định; còn việc cung cấp tài liệu không đầy đủ, đối thoại, kể cả dự phiên tòa- lúc dự lúc không thì chưa có chế tài xử lý. “Nếu nghiêm là phải có chế tài, bây giờ không nghiêm thì không chấp hành nhưng nghiêm thì làm không nổi, có sự mâu thuẫn với thực tiễn”- Chánh án Lê Minh Trí nói.

Chánh án TAND Tối cao nói ở những địa phương phát triển mạnh, Chủ tịch UBND tỉnh, thành rất áp lực trong công việc. “Một năm có khoảng chừng 500 chuyện phải đối thoại hay phải ra phiên tòa, xin thưa chắc không có thời gian để điều hành, quản lý nhà nước”- Chánh án nói và cho hay và cho biết, sẽ nghiên cứu chế tài mức độ nào, làm sao cho hài hòa giữa thực tiễn với kỷ cương.

Phải có đội ngũ thẩm phán đủ năng lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế

Phát biểu về nội dung này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế nhằm thu hút các nguồn lực quốc tế, phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước. Ở đây có các định chế tài chính Việt Nam nhưng chủ yếu là các định chế tài chính nước ngoài. “Một trong những việc nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm là khi tình huống pháp lý có xung đột, tài sản và quyền sở hữu của họ được bảo vệ. Thiết chế để bảo vệ tài sản này chính là cơ quan giải quyết tranh chấp trong Trung tâm tài chính, trong đó có tòa chuyên biệt” – Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình góp ý nếu luật chỉ dừng ở việc quy định thành lập tòa chuyên biệt trong Trung tâm tài chính thì chưa đủ, chưa giải quyết thấu đáo, triệt để câu chuyện. Từ đó, ông nêu một số vấn đề cần tập trung nghiên cứu. Cụ thể, về ngôn ngữ trong xét xử, pháp luật hiện hành yêu cầu tòa án phải xét xử bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, ở Trung tâm tài chính, tranh chấp giữa các định chế tài chính nước ngoài với nhau, nếu yêu cầu phải xét bằng tiếng Việt “chắc là khó”.

Về thẩm phán, trong dài hạn, chắc chắn Việt Nam phải có đội ngũ thẩm phán đủ năng lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế, tranh chấp có yếu tố nước ngoài nhưng trong ngắn hạn yêu cầu này chưa đáp ứng được. “Kinh nghiệm nhiều nước là thuê thẩm phán nước ngoài. Như vậy, thẩm phán ở Trung tâm tài chính quốc tịch thế nào cũng là câu chuyện phải đặt ra” – Phó Thủ tướng nói thêm và đề nghị TAND tối cao nghiên cứu, bổ sung những nội dung nói trên vào luật, tạo được hành lang pháp lý đầy đủ để vận hành tòa án chuyên biệt này trong Trung tâm tài chính.

Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí giải trình ý kiến đại biểu.

Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí giải trình ý kiến đại biểu.

Giải trình, Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí cho biết dự thảo luật “chưa nói sâu” nội dung này do đây là vấn đề mới. Ban Thường vụ Đảng ủy TAND tối cao vừa được cấp có thẩm quyền phân công nghiên cứu thành lập tòa án chuyên biệt thuộc Trung tâm tài chính quốc tế. “Đầu tháng 6, tôi sẽ đi Trung Quốc và một số nước, tới đây chúng tôi cũng sẽ cử các đoàn tiếp theo đi nghiên cứu về cơ cấu, mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ…của tòa chuyên biệt thuộc Trung tâm tài chính quốc tế. Vấn đề mới quá, đưa ngay vào trong luật mà không khả thi thì chỉnh không được” – Chánh án Lê Minh Trí nêu lý do vì sao dự thảo luật chỉ quy định về việc thành lập tòa chuyên biệt tại Trung tâm tài chính, chưa quy định cụ thể nội dung này.

“Chúng ta phải nghiên cứu trước, từ việc phải đào tạo ngôn ngữ tiếng Anh thế nào, đào tạo kiến thức về thông luật, hiểu biết pháp luật quốc tế thế nào khi áp dụng giải quyết tranh chấp… Đây là vấn đề lớn, chúng tôi sẽ quyết liệt làm theo yêu cầu chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là để đáp ứng xu thế phát triển của đất nước khi thành lập hai Trung tâm tài chính quốc tế ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng” – Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thoi-su/can-quy-dinh-ro-trach-nhiem-chu-tich-ubnd-khi-co-vu-kien-hanh-chinh--i769605/