Cần quy định rõ trách nhiệm về môi trường đối với từng loại hình DN
Theo các doanh nghiệp, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường cần có lộ trình và phù hợp với điều kiện công nghệ hiện có ở Việt Nam.
Theo Phó giáo sư-tiến sỹ Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, dự thảo Nghị định Luật Bảo vệ môi trường còn nhiều nội dung chưa sát với thực tế, do đó khi đi vào thực hiện sẽ không dễ dàng áp dụng trong đời sống.
Cần quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng
Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 sẽ có hiệu lực từ 1/1/2022, theo đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật.
Đáng chú ý, trong dự thảo Nghị định có nội dung quy định trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu về tái chế, xử lý sản phẩm-bao bì là chất thải và dự kiến sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh, doanh tại nhóm ngành sản phẩm điện, điện tử, pin, ắc quy, dầu, nhớt, săm lốp, phương tiện giao thông, máy móc công trình và bao bì các loại trong nền kinh tế.
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Đà Nẵng cho rằng việc triển khai vận dụng tốt Nghị định vừa thể hiện trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu song đây cũng có thể xem như hàng rào kỹ thuật rất tốt để quản lý các sản phẩm có tác động tới môi trường.
Song ông Nhựt cũng đề cập đến một số trở ngại với nhóm ngành cao su khi thực hiện Nghị định này. Cụ thể, theo ông Nhựt, các đơn vị sản xuất sản phẩm cao su đều có chính sách thu hồi sản phẩm thải bỏ, nhưng tỷ lệ thu hồi từ thị trường còn rất thấp. Trên thực tế, đa số người tiêu dùng thường sử dụng các sản phẩm loại bỏ này để bán lại cho một số cơ sở để thu hồi dầu đốt và để tăng thêm thu nhập. Do vậy, dự thảo phải có quy định rõ để phát huy trách nhiệm đối với người sử dụng.
Bên cạnh đó, các công ty sản xuất sản phẩm cao su cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi sản phẩm trên pham vi toàn quốc, như chi phí thu mua lại và chi phí vận chuyển phát sinh đã làm tăng giá thành sản phẩm, theo đó làm giảm sức cạnh tranh đáng kể với các đối thủ không thực hiện đúng quy định, không tuân phủ pháp luật.
“Đặc biệc là các nhà nhập khẩu cũng chưa đầu tư đúng mức cho việc tái chế sản phẩm. Do đó, dự thảo cần đề cập đến việc kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện đối với các nhà nhập khẩu cần đồng bộ, bình đẳng như với mọi doanh nghiệp,” ông Nhựt nhấn mạnh.
Dự thảo cần sát với thực tế
Đi sâu vào nội dung của dự thảo, Phó giáo sư-tiến sỹ Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết tại Điều 90 dự thảo Nghị định quy định đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế trong đó có loại bao bì. Tuy nhiên, khái niệm bao bì là rất rộng và đa dạng về kích thước, chủng loại, thành phần, nên dự thảo cần phân biệt rõ đối tượng sẩn phẩm thuộc sự quản lý của Nghị định.
Về giải pháp tái chế (tại cột 6, Phụ lục 22), ông Sỹ cho rằng cũng phải bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế. Bởi việc sửa chữa, phục hồi, thay thế linh kiện, phụ tùng để tái sử dụng là một trong các biện pháp phổ biến trong ngành điện và điện tử tại Việt Nam và trên thế giới.
Tại Điều 91, ông Sỹ cho biết việc tính toán tỷ lệ tái chế bắt buộc (R), tỷ lệ tái chế thực tế (Ra), hệ số thải bỏ sản phẩm bao bì (D), hệ số thu gom sản phẩm, bao bì sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau vì vậy quy định tại dự thảo này là không dễ dàng áp dụng trong đời sống.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, cũng đề xuất chính sách hỗ trợ khoản chi phí “quản lý, vận hành hệ thống thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất” trong ba năm đầu tiên (kể từ ngày Nghị định có hiệu lực) để khuyến khích các doanh nghiệp thu gom, tái chế đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cho biết thêm cơ sở đưa ra mức tỷ lệ 3% trong công thức tính chi phí này.
Về cơ bản, đại diện các nhóm ngành cho rằng việc Chính phủ xây dựng Nghị định cần có lộ trình và phù hợp với điều kiện công nghệ hiện có ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ nên có chính sách khuyến khích các hoạt động tái chế, tái sử dụng và sử dụng vật liệu tái chế cho các sản phẩm và bao bì. Điểm quan trọng, dự thảo phải hạn chế được các chi phí phát sinh để tránh tăng giá sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng./.