Cần quy định rõ về đất nông nghiệp để dân xây nhà tạm phục vụ sản xuất
Đây là những ý kiến của các đại biểu nêu tại Hội thảo lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức mới đây.
Vi phạm pháp luật đất đai chưa được ngăn chặn kịp thời
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, hiện còn một số vấn đề bất cập trong quá trình thi hành Luật Đất đai 2013. Nguồn lực về đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững. Việc sử dụng đất có nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp, có lúc và có nơi chưa thực sự đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư khi thực hiện chính sách về bồi thường, tái định cư.
Ông Dũng cho rằng, việc này gây khiếu kiện, khiếu nại, ảnh hưởng đến ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Ngoài ra, hệ thống quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa có tầm nhìn dài hạn. Đáng chú ý, vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Ông Cao Tiến Dũng cho biết: "Quá trình thực thi Luật Đất đai 2013 vướng rất nhiều. Nhiều điểm mâu thuẫn với các luật khác nhau cần phải nêu rõ. Có góc nhìn toàn diện để sửa đổi, không sửa chỗ này để rồi vấp vào chỗ khác".
Cần quy định để giải quyết nhà tạm trên đất nông nghiệp
Ông Phan Văn Châu – Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai cho biết, về việc thu hồi đất đối với đất quốc phòng – an ninh, vì mục đích quốc gia, lợi ích công cộng với mục đích phát triển kinh tế - xã hội, do tính chất thu hồi đất giữa hai trường hợp này là khác nhau nên cần tách ra thành hai điều luật. Ngoài ra, về phân loại đất, có một số loại chưa thể hiện cụ thể trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm với các luật khác có liên quan.
Theo ông Châu: "Trong các loại đất chưa nói về đất đảo. Đảo nào là an ninh – quốc phòng, đảo nào là thương mại. Liên quan đến biên giới, lãnh thổ thì Luật Đất đai phải điều chỉnh các loại đất đó".
Về thực tế tại địa phương, ông Mai Văn Hiền - Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết, nhiều nơi trên địa bàn huyện có loại đá lộ đầu, có thể bán được nhưng vì lượng không nhiều nên không thể cấp phép khai thác khoáng sản. Do đó, để tạo điều kiện cho người dân thuận lợi hơn khi xin phép cải tạo thì nên bổ sung quy định về cải tạo đất nông nghiệp mà có dôi dư.
Xoay quanh đất nông nghiệp, ông Hiền cho rằng, vùng Đông Nam Bộ nhiều hộ gia đình có diện tích đất nông nghiệp lớn, có rẫy hiện đang canh tác. Từ đó, nhu cầu xây dựng nhà tạm để chứa vật tư, sản phẩm nông nghiệp và nghỉ ngơi trong quá trình sản xuất chứ không phải nhà ở theo đất ở nông thôn.
Ông Hiền kiến nghị có quy định rõ hơn về loại đất nông nghiệp để người dân không vi phạm khi sử dụng vào mục đích trên.
"Nên có quy định cụ thể về loại đất này để thuận lợi cho địa phương, nhất là ở cơ sở cho phép người dân xây dựng loại nhà tạm này để đáp ứng sản xuất nông nghiệp. Nhưng cũng không lạm dụng để phát triển thành nhà ở tự phát" - ông Hiền bày tỏ./.