Cần quy định rõ vị trí pháp lý của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh trong hệ thống các cơ quan hành chính

Sáng 17/7, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và một số điểm cầu cấp huyện, cấp xã.

Các đồng chí: Lê Minh Hoan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia; Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đồng chủ trì tại điểm cầu T.Ư. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành T.Ư.

Dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và một số sở, ngành.

Đồng chí Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tham luận tại điểm cầu Bắc Giang.

Đồng chí Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tham luận tại điểm cầu Bắc Giang.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, cùng với Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Hạ tầng KT-XH tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; giáo dục và đào tạo phát triển ổn định vững chắc; hoạt động văn hóa thể dục, thể thao ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 khoảng 46,3 triệu đồng/người/năm (tăng 4,6 triệu đồng so với năm 2020); chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2022 còn khoảng 5,4%, giảm 1,7% so với năm 2020; giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp tăng 3,36% (cao nhất trong những năm gần đây). Giai đoạn 2021-2023, cả nước đã huy động hơn 1,7 triệu tỷ đồng đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng NTM...

Bên cạnh kết quả đạt được còn một số khó khăn, hạn chế như: Hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ở cấp T.Ư chậm được ban hành nên ảnh hưởng đến tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch, giao vốn ngân sách. Một số địa phương còn lúng túng, chậm ban hành các văn bản cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025 theo phân cấp. Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách T.Ư còn chậm.

Kết quả đạt chuẩn xã NTM của một số vùng vẫn còn chênh lệch lớn. Công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa đồng đều; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; làng nghề chưa phát triển mạnh, năng lực hoạt động của hợp tác xã còn những hạn chế nhất định.

Nhiều địa phương chưa chú trọng quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với sản phẩm chủ lực, thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp còn gặp khó khăn. Chất lượng đạt chuẩn và việc duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn NTM còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường, thu nhập, an ninh trật tự xã hội...

Các ý kiến tham luận tại hội nghị tập trung phân tích làm rõ những ưu điểm, kết quả đạt được, đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong vấn đề lồng ghép nguồn vốn các chương trình MTQG; quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm OCOP và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM; thống nhất mô hình hoạt động Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh, đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn các chương trình MTQG, vấn đề xử lý môi trường, rác thải nông thôn; đề xuất duy trì cơ chế thưởng trong giai đoạn sau cho các địa phương đạt chuẩn NTM...

Tham luận tại hội nghị, đồng chí Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025 có yêu cầu cao hơn, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí thời gian ngắn rất khó hoàn thành, các bộ, ngành T.Ư ban hành hướng dẫn chưa đồng bộ; nguồn vốn ngân sách T.Ư bố trí chậm ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai tại địa phương. Vấn đề môi trường, thu gom, xử lý rác thải đang là áp lực lớn...

Tuy nhiên, với nhiều cách làm sáng tạo, nỗ lực và quyết tâm cao trong thực hiện kế hoạch, Chương trình xây dựng NTM của tỉnh Bắc Giang tiếp tục đạt kết quả toàn diện, đi vào chiều sâu, duy trì đứng tốp đầu khu vực miền núi phía Bắc. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh phấn đấu có thêm 1 huyện đạt chuẩn NTM (huyện Lục Nam), lũy kế 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Có thêm 39 xã đạt chuẩn NTM, đạt 88% trên tổng số xã, trong đó có 73 xã đạt chuẩn nâng cao, lũy kế 78 xã; 15 xã đạt chuẩn kiểu mẫu...

Đồng chí đề nghị cơ quan chức năng tham mưu Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3, Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 về Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo hướng: Các xã đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn NTM tiếp tục thụ hưởng chính sách hỗ trợ đến hết năm 2025, do nguồn vốn giai đoạn này đã phân bổ cho từng xã.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Nội vụ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quy định rõ vị trí pháp lý của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh trong hệ thống các cơ quan là đơn vị hành chính có chức năng tham mưu, tổng hợp, điều phối giúp UBND, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về lĩnh vực NTM. Quy định cụ thể về số lượng cán bộ chuyên trách, cơ cấu phòng làm việc, chế độ phụ cấp đối với thành viên chuyên trách, kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tại Văn phòng điều phối NTM cấp tỉnh...

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến năm 2025 cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM (miền núi phía Bắc 60%, Đồng bằng sông Hồng 100%, Bắc Trung Bộ 87%, Nam Trung Bộ 80%, Tây Nguyên 68%; Đông Nam Bộ 95%, Đồng bằng sông Cửu Long 80% số xã đạt chuẩn NTM), trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Để hoàn thành mục tiêu, một trong những giải pháp được đề ra là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.

Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế; sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí NTM các cấp theo các mức độ phù hợp hơn với tình hình thực tế tại các địa phương và đặc thù của vùng, miền.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp, đặc biệt cán bộ cơ sở về phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số trong xây dựng NTM, phát triển du lịch nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế, bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc…

Tin, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/408463/can-quy-dinh-ro-vi-tri-phap-ly-cua-van-phong-dieu-phoi-ntm-tinh-trong-he-thong-cac-co-quan-hanh-chinh.html