Cần quy trình chuẩn phân loại rác tại nguồn

Năm 2024, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh (nay là TP. Huế) phát sinh khoảng 240 nghìn tấn, giảm so với năm 2023 khoảng 5 nghìn tấn. Qua đó, có thể thấy, hiệu quả bước đầu của việc triển khai phân loại rác tại nguồn (PLRTN). Tuy nhiên, để thực hiện rốt ráo việc này, cần một quy trình bài bản.

 Hạ tầng xử lý rác thải cần được đầu tư đồng bộ

Hạ tầng xử lý rác thải cần được đầu tư đồng bộ

Hiệu quả bước đầu

Nhằm nâng cao năng lực cộng đồng trong quản lý rác thải nhựa, UBND phường Thuận An, quận Thuận Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, PLRTN. Ông Đào Quang Hưng, Chủ tịch UBND phường Thuận An cho biết, năm 2024 địa phương đã cấp phát 330 giỏ nhựa cho người dân để hạn chế sử dụng túi ni lông và cấp phát 326 thùng rác PLRTN cho các hộ gia đình.

Các ban ngành, đoàn thể của phường cũng tổ chức ra quân "Ngày Chủ nhật xanh" với 36 đợt/1.400 lượt người tham gia. Các tổ chức chính trị xã hội đã triển khai tập huấn cho hơn 100 lượt người về hướng dẫn thu gom, PLRTN, ứng dụng vi sinh trong xử lý rác hữu cơ tại gia đình.

Từ năm 2022 đến nay, các cơ quan, ban ngành đã triển khai việc PLRTN cho 36/36 phường, xã thuộc 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa và một số mô hình điểm tại các địa phương khác trên địa bàn thành phố. Ngoài 2 quận đã triển khai đồng loạt, công tác PLRTN cũng được các địa phương xây dựng và triển khai, khuyến khích người dân sử dụng chất thải thực phẩm để phục vụ chăn nuôi, làm vườn.

Các địa phương cũng đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị, toàn dân tham gia bảo vệ môi trường bảo đảm cảnh quan xanh - sạch - đẹp; triển khai chương trình “Ngày Chủ nhật xanh”, phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, góp phần xây dựng thành phố xanh - sạch - sáng.

Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đánh giá, việc đầu tư và đưa vào hoạt động Nhà máy Điện rác Phú Sơn đã làm thay đổi mạnh mẽ về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), nhằm khắc phục tình trạng sử dụng công nghệ chôn lấp không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Từ đó, dần tiến tới chấm dứt xử lý CTRSH bằng hình thức chôn lấp trực tiếp.

UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyên truyền, triển khai việc ký cam kết PLRTN đối với các hộ gia đình, cá nhân nhằm nâng cao nhận thức của người dân, phổ biến các chính sách, quy định của Nhà nước về công tác PLRTN.

Còn nhiều khó khăn

Một trong những mục tiêu quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là quản lý chất thải hiệu quả, bao gồm việc phân loại CTRSH ngay tại nguồn và xử lý chất thải nguy hại. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định này gặp phải một số khó khăn, bất cập, đặc biệt trong việc triển khai các chương trình phân loại rác tại cộng đồng và xây dựng định mức thu gom, vận chuyển, phương án giá dịch vụ thu gom, xử lý rác theo phân loại.

Sở NN&MT cho biết, hiện nay, CTRSH được phân làm các nhóm như chất thải thực phẩm, chất thải tái chế, chất thải nguy hại và loại chất thải còn lại. Tuy nhiên, chất thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn, các chương trình phân loại còn mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, chưa được chính thức hóa. Việc phân loại cũng chưa triệt để, khâu kiểm soát gặp nhiều khó khăn nên việc quy định mức giá dịch vụ cho từng loại chất thải để khuyến khích phân loại đối với hộ gia đình rất khó áp dụng.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện thiết yếu phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH chưa được chú trọng đầu tư đồng bộ. Trên địa bàn thành phố, chất thải thực phẩm chưa có đơn vị xử lý tập trung, chủ yếu khuyến khích người dân chuyển làm thức ăn chăn nuôi, tự xử lý bằng ủ phân hữu cơ. Đối với những nơi chưa có biện pháp xử lý phù hợp, chất thải thực phẩm được thu gom chung với nhóm còn lại.

Ông Đặng Phước Bình, Phó Giám đốc Sở NN&MT cho biết, để đảm bảo việc PLRTN hiệu quả cần có một quy trình chuẩn từ Trung ương đến địa phương, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, trong đó cần làm rõ công tác phân loại từ hộ gia đình/cơ sở, quy trình về thu gom rác sau phân loại đối với từng loại rác để vận chuyển đến các cơ sở tái chế, xử lý. Đồng thời, cần xây dựng phần mềm về thu gom, vận chuyển rác, xử lý, trong đó cần đáp ứng các yêu cầu về vị trí tập kết từng loại rác, điểm phân loại, tuyến thu gom, thời gian, tần suất thu gom; phản ánh hiện trường về rác, công khai thông tin vi phạm...

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/can-quy-trinh-chuan-phan-loai-rac-tai-nguon-152179.html