Cần quyết liệt trong phòng, chống bệnh dại

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.312 người bị chó nghi mắc bệnh dại cắn phải tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại, đã có 2 người tử vong do bệnh dại.

Ông Ngô Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Tà Chải (Bắc Hà), cho biết: Vào ngày 26/6/2019, tại thôn Na Pắc Ngam, một con chó của gia đình anh Vũ Văn Hiển lên cơn dại cắn 2 người hàng xóm, sau đó cắn anh Hiển. Chính quyền xã đã huy động lực lượng bắt chó và cơ quan chuyên môn lấy mẫu gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương. Kết quả xét nghiệm phát hiện mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút dại. Chính quyền xã đã thành lập các đội bắt chó thả rông, triển khai tiêm phòng 100% số chó trên địa bàn. Gia đình anh Hiển cũng bị xử phạt theo quy định vì nuôi chó thả rông, chưa tiêm vắc xin phòng dại cho chó, đồng thời phải bồi thường chi phí điều trị cho nạn nhân bị chó cắn.

Công tác tiêm phòng dại cho đàn chó được triển khai quyết liệt.

Công tác tiêm phòng dại cho đàn chó được triển khai quyết liệt.

Ngay sau khi bị chó cắn, anh Hiển và 2 người hàng xóm đã đến Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà để truyền huyết thanh và tiêm vắc xin phòng dại, đến nay sức khỏe đã dần ổn định. Tuy nhiên, tâm lý của 3 người bị chó dại cắn và người dân trên địa bàn xã vẫn lo lắng và bất an mỗi khi có việc phải ra đường vì sợ bị chó cắn.

Với thời tiết nắng nóng diễn ra gay gắt từ đầu mùa hè đến nay, bệnh dại đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.312 người bị chó dại hoặc nghi chó dại cắn phải truyền huyết thanh và tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Từ đầu năm đến nay, có 2 người tử vong do bệnh dại (1 người ở thành phố Lào Cai, 1 người ở huyện Văn Bàn), cả 2 người tử vong đều bị chó mang vi rút dại cắn, nhưng chủ quan không đi tiêm phòng.

Cũng theo thống kê của cơ quan thú y, hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh cũng có người tử vong vì bệnh dại. Trước tình trạng bệnh dại và thói quen nuôi chó thả rông đang diễn ra phức tạp, nhiều người e ngại, lo lắng mỗi khi ra ngoài đường.

Công tác phòng, chống bệnh dại đang được cơ quan chuyên môn và các địa phương trong tỉnh chú trọng. Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà, trên địa bàn hiện có hơn 6.000 con chó, tính đến hết tháng 7/2019 đã tiêm phòng bệnh dại cho hơn 4.500 con và từ nay đến hết tháng 9 sẽ tiêm vắc xin phòng dại cho toàn bộ số chó còn lại.

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đơn vị đang đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện phối hợp với chính quyền cơ sở rà soát, tiêm phòng bổ sung tại nơi có tỷ lệ tiêm phòng dại thấp, nơi nguy cơ cao. Từ đầu năm 2019 đến nay, các địa phương đã tiêm 61.466 liều vắc xin phòng dại cho đàn chó, đạt 81% kế hoạch năm. Huyện Bảo Yên đạt tỷ lệ tiêm phòng cao nhất với 101%, huyện Mường Khương đạt thấp nhất: 44%. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với chính quyền cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát bệnh dại từ cơ sở, nhằm phát hiện nhanh, xử lý kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Đình Tâm, Phó Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Thời gian qua, công tác phòng, chống bệnh dại gặp không ít khó khăn vì nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về bệnh dại và mức độ nguy hiểm của bệnh nên còn chủ quan. Nhiều hộ chưa chủ động tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó của gia đình và vẫn còn hiện tượng khi chó nghi mắc bệnh dại, người dân không báo cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương, mà tự đập chết chó, mổ thịt ăn, khi người có biểu hiện bệnh dại mới báo cho cơ quan thú y, y tế…

Không ít trường hợp bị chó cắn nhưng không đi tiêm phòng, nhất là ở vùng cao. Ngoài ra, cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống bệnh dại, quản lý đàn chó nuôi, bắt chó thả rông nơi công cộng, chưa có chế tài xử lý đối với việc chó thả rông, chó không tiêm phòng vắc xin. Công tác tuyên truyền, triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại còn hạn chế, chưa thường xuyên, chủ yếu chỉ được thực hiện khi có dịch xảy ra.

Để công tác phòng, chống bệnh dại hiệu quả, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về bệnh dại và mức độ nguy hiểm của bệnh, từ đó người dân chủ động khai báo và phối hợp với cơ quan chuyên môn trong công tác phòng, chống bệnh dại tại cộng đồng.

Các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán chó, mèo vào địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp không tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo của gia đình. Trong trường hợp có dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ phối hợp với ngành y tế xử lý triệt để các ổ dịch dại trên người và động vật như phun hóa chất tiêu độc, sát trùng nơi có dịch bệnh; theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh để có biện pháp xử lý, không để dịch bệnh lây lan.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/can-quyet-liet-trong-phong-chong-benh-dai-z5n20190818081405676.htm