Cần quyết tâm cao hơn?

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố dành gần 20 trang (trong tổng số 100 trang) để nhận diện thông tư của các bộ. Đây là loại văn bản có vai trò rất quan trọng khi hiện thực hóa các chính sách và tác động rất lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Báo cáo cho biết, từ ngày 1.1.2016 đến ngày 20.7.2020, số lượng thông tư chiếm hơn 68% tổng số lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành. Trung bình, mỗi luật (gộp chung luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) có 6,8 nghị định; 1,8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và có tới 25,8 thông tư; 1,9 thông tư liên tịch hướng dẫn.

Trong nhiều trường hợp, bắt buộc phải có thông tư, các quy định mới có thể áp dụng được trên thực tế. Nói cách khác, thông tư là mảnh ghép cuối cùng để hoàn chỉnh một quy trình, thủ tục. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không nhất thiết cần thông tư nhưng các cơ quan nhà nước vẫn ban hành. Đồng thời ở một số ngành, lĩnh vực, có hiện tượng việc thực thi các quy định phụ thuộc quá nhiều vào thông tư (ví dụ Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017 có đến hơn 70 thông tư hướng dẫn).

Theo Báo cáo, việc vẫn còn có nhiều thông tư quy định chi tiết, ngay cả khi không được ủy quyền, phản ánh thực trạng dường như các cơ quan làm chính sách đang “lạm dụng” ban hành thông tư. Hiện tượng, thực thi luật bị lệ thuộc quá lớn vào thông tư đưa đến quan ngại về tình trạng “luật ống”, “luật khung” quay trở lại, hay là thông tư “to hơn” cả luật. Điều này sẽ tạo rủi ro cho môi trường kinh doanh, khi các quy định tác động đến doanh nghiệp lại được ban hành theo quy trình có tính chất nội bộ của các cơ quan thực thi.

Đặc biệt, mặc dù Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư 2014, 2020 đã cấm ban hành điều kiện kinh doanh trong thông tư nhưng các bộ chưa thật sự nghiêm túc tuân thủ. Tuy không còn nhiều như trước song nếu rà soát thì không khó để tìm ra các thông tư vẫn còn quy định về điều kiện kinh doanh. Thậm chí, có những thông tư ban hành điều kiện kinh doanh sau ngày 1.7.2016 - thời điểm Luật Đầu tư 2014 tuyên bố các điều kiện kinh doanh ban hành không đúng thẩm quyền không còn hiệu lực.

Điều kiện kinh doanh tồn tại trong những thông tư này dưới 2 dạng. Thứ nhất, thông tư ban hành điều kiện kinh doanh “công khai” - khá phổ biến trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Thứ hai, thông tư ban hành các quy định điều kiện kinh doanh dạng “ẩn” - trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ví dụ yêu cầu doanh nghiệp phải có cơ sở vật chất nhất định; đáp ứng diện tích tối thiểu của các cơ sở sản xuất, hay yêu cầu chứng chỉ hành nghề của nhân sự ở một số bộ phận… khi sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ. Một dạng “ẩn” điều kiện kinh doanh khác là các quy định về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ cho cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác.

Tình trạng lạm dụng thông tư hay cài cắm điều kiện kinh doanh trong thông tư được nhận diện trong Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021 không xa lạ với cộng đồng doanh nghiệp và khiến họ nhiều phen khốn đốn. Nguyên nhân và những giải pháp Báo cáo đưa ra cũng được đề cập nhiều lần và từ lâu, như: minh bạch hơn nữa về quy trình xây dựng thông tư; xác định rõ thế nào là điều kiện kinh doanh để cơ quan chủ trì soạn thảo nhận biết và doanh nghiệp giám sát; kiểm soát việc ủy quyền cho thông tư hướng dẫn ngay từ các luật chuyên ngành; nâng cao chất lượng của các báo cáo đánh giá tác động… Vậy thì để cải thiện tình hình và tạo chuyển biến thực sự, có phải điều cần thiết ở thời điểm hiện nay là quyết tâm chính trị cao hơn hay không?

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-quyet-tam-cao-hon-z7cuqs03oy-81605