'Cần quyết tâm, tận tâm, tấm lòng nhân ái, sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc và bám sát thực tế'
Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức sáng nay, 14.1.
Hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu được giao
Phát biểu tại Hội nghị, người đứng đầu ngành lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, dù năm 2022 là một năm đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế và do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tuy nhiên dưới sự dẫn dắt và quan tâm kịp thời của Đảng và Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã làm tốt công tác an sinh. Trong lĩnh vực xã hội, lao động, việc làm năm 2022, Ngành lao động đã nỗ lực cao nhất để triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, các chính sách bảo trợ người yếu thế, người cao tuổi, trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị mồ côi do đại dịch Covid-19.
Công tác cứu trợ khẩn cấp triển khai có hiệu quả với nhiều chính sách đi trước, đi sớm và hiệu quả, đời sống nhân dân cơ bản ổn định và từng bước được cải thiện. Chúng ta đã tích cực tham mưu các chính sách hỗ trợ hơn 104 nghìn tỷ đồng cho 68,67 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động. Người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
“Nhìn tổng thể, công tác bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ ngày một mở rộng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, việc làm ngày càng bền vững”, người đứng đầu ngành lao động nhấn mạnh.
Theo Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ước thực hiện năm 2022 hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, gồm có 3/3 chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 32/2021/QH15 đạt mục tiêu đề ra: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 2,79%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67%, và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2%.
Có 3/3 chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP đạt và vượt mục tiêu đề ra: Đưa trên 142 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 158% kế hoạch; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH đạt khoảng 38%, tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 31,1%.
Đáng chú ý, Bộ đã thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch trong 3 năm (từ năm 2020 đến hết năm 2022), thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho trên 68,43 triệu lượt người lao động, người dân và trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng thông qua hình thức chi trả bằng tiền mặt hoặc qua các chính sách trực tiếp và gián tiếp.
Trong đó, thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ trên 45 nghìn tỷ đồng, Nghị quyết số 03 và Nghị quyết số 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là hơn 41 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ trên 3,7 nghìn tỷ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ, ngành lao động, thương binh và xã hội có đối tượng quản lý nhiều, phạm vi quản lý rộng, đòi hỏi yêu cầu cao mà nguồn lực thì hạn chế. Ngành đã luôn kịp thời đề xuất các cơ chế chính sách để quản lý tốt lĩnh vực.
“Con người từ lúc còn nằm trong bụng mẹ cho tới khi về lại lòng đất, ngành lao động và xã hội đều phải lo toan. Công tác như vậy là rất quan trọng, nhạy cảm và khó khăn”, Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng đánh giá chung, những thành tích đạt được của ngành trong năm 2022 là rất toàn diện. Bài học có thể rút ra là Bộ đã bám sát, triển khai nghiêm túc đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của toàn ngành, với các bộ ngành, cơ quan khác; tinh thần chủ động tham mưu, đề xuất chính sách.
Nhiều hạn chế cần được khắc phục trong năm 2023
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập cần khắc phục trong năm 2023 cũng như thời gian tới. Đó là thị trường lao động phát triển không đồng đều, chưa đáp ứng nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn khá cao. Cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, thị trường lao động phát triển chưa đồng đều, chưa bền vững, chưa an toàn, các chính sách xã hội còn thiếu tính liên kết, chưa bao trùm đủ hết các đối tượng, chênh lệch mức sống giữa các vùng miền còn lớn… tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm và nâng cao năng suất lao động.
Thị trường lao động trong năm 2023, theo Thủ tướng, sẽ bị tác động nhiều, biểu hiện ở đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, những xu hướng chuyển dịch lớn đang diễn ra. “Nhiệm vụ của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, tận tâm, tấm lòng nhân ái, sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc và bám sát thực tế”, Thủ tướng yêu cầu.
Cụ thể hơn, về nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế, chính sách, Thủ tướng nhấn mạnh chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân”, cần tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất các chính sách về lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Về phát triển thị trường lao động, Thủ tướng đề cập yêu cầu gắn kết cung - cầu lao động, nhất là giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Về nhiệm vụ xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững trên cơ sở tiếp thu mô hình quốc tế và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, Thủ tướng lưu ý nhiều tới chính sách nhà ở với công nhân lao động, với người thu nhập thấp. Đồng thời, yêu cầu tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc như tình trạng bạo lực, xâm hại, buôn bán phụ nữ trẻ em. Thủ tướng cũng nhắc nhở việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức.