Cần rà soát lại mức độ chi tiết và quan hệ với các quy hoạch khác

Đánh giá 'đây là nhiệm vụ rất quan trọng, mới, phức tạp, chưa có tiền lệ và chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm', Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một nhiệm vụ lớn và khó khăn với Chính phủ, các bộ, ngành. Để hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch Quốc gia và Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phải bám sát nhiều nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, nhất là Luật Quy hoạch năm 2017 - một 'điểm tỳ' pháp lý quan trọng để xây dựng quy hoạch, thực hiện báo cáo giải trình các ý kiến đóng góp.

Quy hoạch tổng thể quốc gia ở vị trí nào?

Theo quy định tại khoản 2, Điều 3 của Luật Quy hoạch năm 2017, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, vấn đề khó nhất và thách thức lớn nhất với Chính phủ, cũng như với cơ quan chủ trì xây dựng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong xây dựng quy hoạch này là xác định mức độ cụ thể hóa của Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế. Ảnh: P. Thủy

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế. Ảnh: P. Thủy

Để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, các nội dung trong Quy hoạch này cần có nguyên tắc, tiêu chí, mục tiêu với mức độ chi tiết phù hợp theo từng vùng, ngành, lĩnh vực để làm định hướng, căn cứ cho quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh. Quy hoạch Tổng thể quốc gia cần phải cụ thể, chi tiết hơn Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về các vùng kinh tế. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các định hướng phát triển, các lĩnh vực ưu tiên, các ngành, lĩnh vực cần có tính dự báo cao, thể hiện quyết tâm và yêu cầu phát triển nhưng phải phù hợp với cân đối nguồn lực, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và khả năng phát triển để bảo đảm phát triển đất nước nhanh, bền vững nhưng khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Quy hoạch tổng thể quốc gia "ở dưới" Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhưng "trên" các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch cấp tỉnh. Tuy nhiên, qua rà soát Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ này được Chính phủ trình tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Kinh tế lại thấy các quy hoạch kết cấu hạ tầng đưa vào quy hoạch tổng thể đều được thể hiện rất cụ thể, chi tiết, song các quy hoạch về văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh thể hiện mờ nhạt, tương đối mỏng. “Hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực như thế nào cần được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kỹ càng để xác định phương án xử lý hiệu quả”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị.

Là địa phương thứ hai trên cả nước có quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà chia sẻ với khó khăn, thách thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong xây dựng hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - một bản quy hoạch đồ sộ, phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm thực hiện. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia càng chi tiết thì quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh càng khó làm, nhất là trong quá trình phát triển có những hoạt động kinh tế - xã hội cần điều chỉnh sẽ rất rắc rối để sửa quy hoạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, tại Tờ trình của Chính phủ cần xác định phạm vi điều chỉnh của Quy hoạch tổng thể quốc gia với quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh. Nếu quy định không rõ khi quy hoạch tỉnh, vùng cần điều chỉnh, thì dù không ảnh hưởng đến Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng sẽ khiến các cơ quan chức năng lúng túng trong thực hiện.

Nguyên tắc hay cụ thể?

Mức độ chi tiết của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng là một vấn đề nhận được nhiều ý kiến khác nhau tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Kinh tế. So sánh với các quy hoạch khác, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu nhận thấy, trong bản quy hoạch có nêu rõ về phát triển hạ tầng của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, thậm chí là chỉ ra công trình cụ thể cần triển khai thực hiện trong thời kỳ quy hoạch. Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu câu hỏi: Một định hướng quy hoạch quốc gia như vậy có thực sự đúng tính chất hay không?

Nêu quan điểm về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch mang tính định hướng nên chỉ đưa ra quy định mang tính nguyên tắc, tránh đưa ra quy định cụ thể. Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu cảnh báo, nếu giả dụ Quốc hội không thông qua dự án quan trọng quốc gia hay thay đổi về công nghệ trên thế giới thì xử lý Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 như thế nào?

Đại diện Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Tài chính - Ngân sách, Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng thống nhất cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch trong dài hạn, không giải quyết vấn đề, tình huống trong thực tiễn. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Hoàng Anh nhận thấy, tại Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ này vẫn tiếp cận theo hướng có địa bàn, lĩnh vực “nổi trội”, “đặc thù”, “đặc biệt… Tại sao không hình thành khung chung của quốc gia để cho tất cả các nguồn lực đều được phát huy? Tại sao chúng ta không xây dựng cơ chế, thể chế cho 30 năm, tránh sử dụng những chữ “đặc thù”, “đặc biệt”, “ưu đãi vượt trội”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu câu hỏi.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Đinh Ngọc Minh cũng cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia nên đề ra những định hướng, quan điểm lớn, chỉ tiêu lớn, không thể xác định những yếu tố cụ thể. Nếu đề cập những vấn đề quá cụ thể sau này sẽ khó cho thực hiện ở các bộ ngành, địa phương.

Xác định vị trí và mức độ thể hiện các nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một vấn đề khó. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải gợi mở, cần lưu ý khi xác định mức độ thể hiện các nội dung trong bản quy hoạch này để không tự "bó cứng" trong quá trình thực hiện nhưng phải cụ thể đạt được mức độ là căn cứ, định hướng cho quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh. Quy hoạch tổng thể quốc gia không chồng lấn vào phạm vi của các quy hoạch cấp dưới nhưng phải cụ thể, chi tiết đủ để làm định hướng, căn cứ cho quy hoạch cấp dưới.

Để tháo gỡ vướng mắc này, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt nhấn mạnh cần bám sát vào "điểm tỳ" pháp lý là Luật Quy hoạch năm 2017 trong thể hiện nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia, cũng như giải trình ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia và đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, về nguyên tắc, một bản quy hoạch sẽ chỉ thể hiện sự phân bổ và bố trí không gian phát triển, trong khi đó chiến lược quyết định các vấn đề dài hạn, có nhiều nội dung. Do vậy, những gì "đụng" đến không gian phát triển mới nên đưa vào Quy hoạch tổng thể quốc gia, không thể đưa các vấn đề xã hội, an sinh, văn hóa vào bản quy hoạch này.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/can-ra-soat-lai-muc-do-chi-tiet-va-quan-he-voi-cac-quy-hoach-khac-i311734/