Cần rà soát, sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Quảng Bình ngày 13/7, đại biểu Trương Thị Lan Phương cho rằng, việc thực thi pháp luật về Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) xuất hiện một số bất cập, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống, xã hội…
Theo đại biểu Trương Thị Lan Phương, PCCC là việc bắt buộc phải thực hiện để ngăn ngừa thiệt hại nếu chẳng may hỏa hoạn xảy ra. Vấn đề bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống phải được đặt lên hàng đầu.
Trong thời gian gần đây các văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn PCCC được ban hành, sửa đổi nhằm mục đích phòng tránh rủi ro, bảo vệ quyền lợi và tài sản của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành, áp dụng thực tiễn đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập, khiến nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh bắt buộc phải đóng cửa để thẩm định lại; nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã và đang sản xuất, kinh doanh, hoạt động ổn định nhiều năm buộc phải tạm dừng do không thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về PCCC.
Một số công trình, dự án đầu tư công đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa thể bàn giao, đưa vào sử dụng do chưa bảo đảm yêu cầu về PCCC; một số công trình đang triển khai thì phải tạm dừng để điều chỉnh thiết kế, làm chậm tiến độ thực hiện dự án, chậm tiến độ giải ngân, gia tăng chi phí, tăng tổng mức đầu tư…
Thực trạng này ảnh hưởng xấu tới cơ hội sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; việc làm của người lao động, gây thiệt hại về kinh tế và các hệ lụy xã hội khác.
Cũng theo đại biểu Trương Thị Lan Phương, thực trạng này đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Vì thế, người dân, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể mong muốn các cấp, ngành cần tiếp thu, tổng hợp, đề xuất, kiến nghị sớm với Trung ương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác PCCC nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.