Cần rõ vai trò của địa phương trong phát triển công nghiệp hỗ trợ

Tại tọa đàm 'Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương' diễn ra ngày 29/8, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết, nhiều địa phương đã chủ động ban hành các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh luôn đi đầu.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp. Đáng chú ý, năm 2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ; năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 68/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025…

Từ năm 2017 khi áp dụng chính sách tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP đến nay, Bộ Công thương ghi nhận tác động lớn của chính sách này đến thực tiễn của ngành công nghiệp hỗ trợ.

Cụ thể, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã tham gia dần được vào các chuỗi cung ứng và đạt được giá trị gia tăng tương đối cao. Bên cạnh đó, nhiều ngành nâng mức tự chủ nguồn nguyên vật liệu, như: ngành dệt may - da giày tự chủ được khoảng 30 - 45%; ngành cơ khí chế tạo tự chủ được phần nguyên liệu khoảng 30%. Tuy nhiên, trong lĩnh vực ô tô, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp…

Với những chính sách ưu đãi về công nghiệp hỗ trợ, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp FDI vệ tinh đi theo những tập đoàn lớn đã tham gia đầu tư vào Việt Nam để được hưởng các ưu đãi về chính sách, về thuế và các chính sách liên quan đến môi trường, vốn đã được ban hành.

Nhiều tỉnh, thành phố chủ động ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: TL minh họa

Nhiều tỉnh, thành phố chủ động ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: TL minh họa

“TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng… là các địa phương mà trên cơ sở những chính sách chung của Trung ương đã chủ động ban hành những chính sách cho riêng địa phương mình. Những chính sách này tập trung chủ yếu vào một số nội dung như hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Để phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ, vai trò của các địa phương là rất quan trọng, phải rất sát sao”- ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ.

Đánh giá khá tích cực về công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể cả về chất và lượng trong thời gian qua.

Theo đó, về mặt số lượng, từ đánh giá ban đầu là có hơn 300 doanh nghiệp Việt Nam đạt được chứng chỉ ISO/TS 16949, đến hiện tại thì con số này đã đạt được trên 500.

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện không chỉ sản xuất những linh kiện có hàm lượng công nghệ thấp, tập trung vào những thế mạnh về nhân công giá rẻ, mà đã tiến lên những nấc thang cao về công nghệ cao như sản xuất linh kiện cho những dòng xe mới./.

Ở góc độ cơ quan quản lý, tại tọa đàm, đại diện Bộ Công thương cho hay, để tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công thương đang đề xuất những chính sách liên quan đến tạo lập thị trường, xây dựng các cụm liên kết ngành, hỗ trợ doanh nghiệp về tín dụng.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/can-ro-vai-tro-cua-dia-phuong-trong-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-158312.html