Cần sa, nấm 'thần' bủa vây giới trẻ: Những người lạc lối
Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng tội phạm ma túy tự nghiên cứu công thức pha chế, cấy phôi, nuôi trồng cần sa, nấm thức thần (còn gọi là nấm 'thần') rồi mua bán trái phép.
Qua các vụ án đã bị cơ quan công an triệt phá cho thấy xu hướng trẻ hóa của loại tội phạm này.
Trồng cần sa tại căn hộ chung cư
Ngày 22/6, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Trần Tuấn Phương (19 tuổi, trú tại quận Đống Đa) để điều tra về hành vi Mua bán trái phép chất ma túy.
Trước đó, Phương bị cảnh sát bắt quả tang khi đang đi bán một lượng cây nấm khô (chứa trong túi nylon màu trắng). Đây thực chất là một loại ma túy, còn gọi là nấm thức thần hoặc nấm “thần” có chứa Psilocine và Psilotcin gây ảo giác mạnh cho người dùng. Chất này nằm trong danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội, theo Nghị định 73/2018.
Đáng chú ý, tại thời điểm bị bắt, Phương đang là sinh viên năm thứ nhất ngành Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo lời khai của Phương, bản thân từng là học sinh giỏi 12 năm liên tiếp, nhưng do “áp lực học tập” rồi bị stress nặng nên đã tìm đến nấm thức thần để giải khuây. Cũng vì sinh viên nghèo không có tiền mua chất kích thích tương tự nấm thức thần thường xuyên nên nảy sinh ý định tự trồng loại nấm này để sử dụng và bán.
Sau một thời gian tìm tài liệu bằng tiếng Anh, tự nghiên cứu, học công thức và tiến hành nuôi trồng, đến tháng 5/2020, Phương thu hoạch mẻ “nấm” đầu tiên với trọng lượng khoảng 300 gram nấm tươi. Số “nấm” này được Phương đem phơi khô, thu được gần 30 gram rồi rao bán trên mạng với giá 250.000-300.000 đồng/gram. Nam sinh này cũng “khoe”, nếu không bị phát hiện, thời gian tới anh ta có thể thu hoạch loại nấm này thêm vài lần như thế.
Tương tự, sau khi tốt nghiệp đại học, Hoàng Gia Phú (26 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, làm nghề thiết kế đồ họa) đã thường xuyên sử dụng cần sa vì “áp lực công việc và trầm cảm”.
Do phải mua cần sa với giá cao nên Phú đã lên mạng học cách trồng, chế biến cần sa và mua hạt giống cùng các dụng cụ về để trồng tại căn hộ chung cư. Phú cho biết định trồng cần sa vừa có ma túy để sử dụng, vừa để bán kiếm lời.
Công an quận Tây Hồ nói, kho xưởng của Phú đặt tại nhà rất công phu và tinh vi với hệ thống máy sấy, lò ủ đều có hệ thống điện nhiệt hiện đại. Mỗi mẻ cần sa khô thành phẩm, Phú chia lại một phần cho “cổ đông” góp vốn, một phần giữ lại để sử dụng, còn lại nhờ người bán cho những ai nghiện với giá 300.000 đồng/gram.
Cũng vì lợi nhuận khủng từ việc buôn bán ma túy, Hoàng Nguyễn Minh Hằng (21 tuổi), sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Huế đã dấn thân vào con đường phạm tội, cầm đầu đường dây mua, bán ma túy liên tỉnh từ TP.HCM vào Thừa Thiên - Huế. Tại thời điểm ập vào nhà nghỉ - nơi Hằng thuê trọ, cảnh sát phát hiện, thu giữ 1.303 viên thuốc lắc, trị giá khoảng 500 triệu đồng.
Phức tạp “chợ” ma túy online
Thông tin với phóng viên Tiền Phong, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết 6 tháng đầu năm 2020, cùng với những diễn biến nguy hiểm của dịch Covid-19, tình hình tội phạm ma túy có xu hướng gia tăng. Số vụ vi phạm pháp luật về ma túy, số người bị bắt trong thời gian này tăng 9,46% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn ma túy chủ yêu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ, đường biển và hàng không.
Cũng theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, đáng chú ý, thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng tội phạm ma túy lợi dụng không gian mạng để mua bán trái phép chất ma túy. Chúng còn tự học công thức, pha chế, cấy phôi để trồng nấm ma túy rồi rao bán trên mạng.
Cùng nhận định, thiếu tá Nguyễn Việt Quân, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận Cầu Giấy đánh giá tình hình mua bán sử dụng trái phép các chất ma túy, chất gây ảo giác có diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều người trẻ tham gia đang là học sinh, sinh viên. Đặc biệt, họ tụ tập công khai sử dụng các chất ma túy, chất gây ảo giác tại nhiều nơi công cộng như quán trà, cà phê…
“Ngoài việc lợi dụng mạng xã hội để rao bán chất ma túy, họ còn lợi dụng xe ôm công nghệ để vận chuyển ma túy. Chúng sử dụng sim rác để giao dịch và thường xuyên thay đổi địa điểm giao nhận hàng; khi giao hàng lái xe ôm công nghệ sẽ ứng tiền trước để trả, sau đó mới thu tiền hàng và tiền cước của khách. Điều này gây không ít khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh” - thiếu tá Quân nói.
Siết quản lý người sử dụng ma túy
Trung tá, Tiến sĩ Hà Thị Hồng Lan - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân - cho rằng, ma túy là nguồn gốc của các loại tội phạm, là tội phạm của tội phạm và làm phát sinh các loại tội phạm khác như giết người, trộm cắp, cướp,… để có tiền mua ma túy, chất gây ảo giác sử dụng thỏa mãn bản thân. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự hiện hành lại không coi việc sử dụng ma túy là tội phạm mà chỉ xử phạt hành chính từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng là quá nhẹ, không đủ sức răn đe, dẫn đến việc thời gian vừa qua xuất hiện nhiều nhóm thanh thiếu niên tụ tập sử dụng ma túy tập thể tại các quán karaoke, khách sạn, vũ trường,…
“Cần phải siết chặt các quy định về xử lý người dụng trái phép chất ma túy như tăng mức xử phạt hành chính gấp nhiều lần so với hiện tại và coi đây là một tiền sự. Song song với biện pháp trên, những người có hành vi sử dụng trái phép ma túy còn bị thông báo về địa phương, cơ quan làm việc,… và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu những người này tái sử dụng ma túy lần thứ 2, thứ 3 thì áp dụng hình thức xử lý hình sự để có đủ sức răn đe, giáo dục. Đối với các trường hợp sử dụng ma túy là thanh, thiếu niên thì bắt buộc áp dụng biện pháp đưa vào các cơ sở giáo dục, hay đang là học sinh sẽ thông báo về nhà trường, đoàn thể cũng là một biện pháp tác động đến tư tưởng, tâm lý để các em ngại với bạn bè, thầy cô lấy đó làm quyết tâm cai nghiện", TS Lan đề xuất.
“Đúng là từ trước đến nay trong Luật Phòng chống ma túy, chúng ta đã “bỏ ngỏ” người sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên mới đây Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) với mục đích quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội…”, thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó cục trưởng C04, Bộ Công an nói.
Vẫn theo ông Bình, cùng với việc xử lý, trám các kẽ hở trong việc sử dụng trái phép chất ma túy; đảm bảo nguyên tắc mọi người trên lãnh thổ Việt Nam nếu sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị phát hiện, xử lý kịp thời thì Bộ Công an và các cơ quan liên quan cũng xây dựng các giải pháp để giúp những người sử dụng ma túy không nghiện ma túy hoặc bước chân vào con đường tội phạm ma túy, cũng như vi phạm pháp luật khác.
Theo Dương Lê - Thanh Hà/Tiền Phong