Cần sản xuất sạch và đa dạng thị trường xuất khẩu
Đồng Nai hiện có diện tích và kim ngạch xuất khẩu trái chuối tươi lớn nhất cả nước. Ngay từ đầu năm 2023, nhiều container chuối sạch của tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, mở ra nhiều cơ hội cho nông dân, doanh nghiệp (DN). Các chuỗi liên kết sản xuất chuối sạch giữa nông dân và DN đã được hình thành, tạo thuận lợi cho trái chuối của Đồng Nai rộng cửa xuất khẩu vào Trung Quốc và những nước khác. Đồng Nai đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu khoảng 500 ngàn tấn chuối trong năm 2023.
Xuất khẩu mở rộng, giá bán cao và nông dân trồng chuối ở Đồng Nai thu lời 200-300 triệu đồng/ ha/năm nên diện tích chuối tăng nhanh, gần 1 ngàn ha/năm trong 4-5 năm gần đây. Diện tích trồng chuối tăng quá nhanh sẽ đi kèm những rủi ro là khi thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu chuối từ tỉnh, nông dân sẽ rơi vào cảnh cung vượt cầu, giá có thể giảm sâu, thậm chí không tiêu thụ được phải thực hiện “giải cứu” như đã từng.
Do đó, theo khuyến cáo của Sở NN-PTNT, nông dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng chuối mà nên tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, DN nên tìm thêm thị trường xuất khẩu để không quá lệ thuộc vào 1-2 thị trường. Ngoài thị trường Trung Quốc thì Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… gần đây tăng nhập khẩu trái cây từ Việt Nam. Các thị trường này Việt Nam đang có lợi thế đã ký kết các hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương và thuế suất đã và đang giảm dần về 0%. Vì thế, nông dân sản xuất trái cây sạch sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn.
Ngoài trái chuối, Đồng Nai còn có nhiều loại trái cây khác cũng ngon nổi tiếng và đã hình thành vùng chuyên canh như: bưởi, sầu riêng, cam, quýt, chôm chôm, mít, thanh long… Lâu nay, các nhà vườn sản xuất luôn trong cảnh thấp thỏm lo giá cả, đầu ra. Các loại trái cây này hay rơi vào cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Nếu các nhà vườn đều đồng loạt áp dụng quy trình sản xuất sạch sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu qua các nước. Như vậy trái cây Đồng Nai sẽ có đầu ra ổn định, nông dân yên tâm đầu tư cho sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng.
Theo một số chuyên gia kinh tế, hiện sản xuất trái cây của Đồng Nai cũng như cả nước đang đi theo quy trình ngược là sản xuất rồi mới tìm thị trường, trong khi các nước khác tìm thị trường trước rồi mới sản xuất. Tuy nhiên, nếu như chúng ta đã có các loại trái cây sạch, cũng có thể tăng xúc tiến thương mại ở nhiều thị trường khác để tìm thêm cơ hội xuất khẩu. Để thực hiện được việc này, ngoài sự kết nối tốt giữa DN và nông dân thì vai trò của các Đại sứ quán, tham tán thương mại ở các nước rất quan trọng, vì có thể làm cầu nối, cung cấp thông tin về thị trường, giới thiệu các khách hàng có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm trái cây với DN trong nước.