Cần sắp xếp lại hoạt động Bến xe phía Nam Đông Hà

Bến xe phía Nam Đông Hà được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2015. Tuy nhiên, qua 4 năm đưa vào vận hành, bến xe này luôn trong tình trạng đìu hiu, vắng khách. Các phương tiện chạy tuyến cố định chỉ vào kí lệnh xuất bến rồi chạy lòng vòng ngoài đường đón và trả khách.

 Bến xe phía Nam Đông Hà vắng xe vận chuyển

Bến xe phía Nam Đông Hà vắng xe vận chuyển

Bến xe vắng bóng... xe

Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi có mặt tại Bến xe phía Nam Đông Hà. Đập vào mắt chúng tôi là quang cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Cả bến xe và bãi đỗ xe tĩnh rộng thênh thang nhưng không có xe nào đậu đỗ. Bên trong nhà bán vé chỉ có một nhân viên nữ ngồi đợi đóng lệnh cho xe xuất bến. Đây là thực trạng diễn ra lâu nay tại bến xe phía Nam Đông Hà. Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lí bến xe khách Quảng Trị Trần Thanh Tâm cho hay: “Trung bình một ngày có 35 chuyến xe xuất bến, lượng khách vào bến chỉ chiếm khoảng 30% hành khách ở trên xe”.

Được biết, việc đầu tư xây dựng bến xe phía Nam Đông Hà nhằm giảm lưu lượng người và phương tiện cho bến xe khách Đông Hà (số 425 Lê Duẩn, phường Đông Lễ). Dự án Bến xe phía Nam Đông Hà được triển khai thi công vào năm 2014 với tổng mức đầu tư trên 14,5 tỉ đồng, nghiệm thu bàn giao và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2015. Công trình được xếp loại bến xe loại 4 gồm có các hạng mục: nhà để xe, nhà bảo vệ, nhà bán vé kết hợp phòng chờ, nhà vệ sinh, cổng, hàng rào bê tông… Ngày 31/12/2015, Sở Giao thông Vận tải có Quyết định số 2720/QĐ-SGTVT điều chuyển 5 tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh đang khai thác tại Bến xe khách Đông Hà sang hoạt động tại Bến xe phía Nam Đông Hà. Cụ thể gồm các tuyến: Đông HàLao Bảo, Đông Hà- Khe Sanh, Đông Hà - Tà Rụt, Đông Hà - Hồ Xá và Đông Hà - thị xã Quảng Trị với tổng cộng 67 phương tiện và 64 lượt phương tiện xuất bến mỗi ngày.

Theo thông tin mà chúng tôi nhận được từ Sở Giao thông vận tải, đến nay, số lượng phương tiện đang hoạt động trên tuyến là 57 phương tiện, gồm 3 tuyến: Đông Hà- thị xã Quảng Trị (1 xe), Đông Hà- Khe Sanh (16 xe) và Đông Hà- Lao Bảo (40 xe). Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, số chuyến xe, số khách và doanh thu của Bến xe phía Nam Đông Hà giảm dần qua các năm. Cụ thể, năm 2016 có 16.845 chuyến xe, vận chuyển 269.113 khách với doanh thu trên 834 triệu đồng; năm 2017 có 14.829 chuyến xe, vận chuyển 237.120 khách với doanh thu trên 771 triệu đồng; năm 2018 có 13.970 chuyến xe, vận chuyển 222.639 khách với doanh thu trên 724 triệu đồng; 8 tháng đầu năm 2019, chỉ còn 8.338 chuyến xe, vận chuyển 132.597 hành khách, doanh thu giảm còn trên 434 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Thành Hùng lí giải nguyên nhân Bến xe phía Nam Đông Hà không phát huy hiệu quả là do: bến xe nằm xa các khu dân cư, chất lượng phương tiện còn thấp; nhu cầu của hành khách không bó hẹp trong các nốt giờ cố định của các xe chạy tuyến cố định nội tỉnh, các xe chạy tuyến nội tỉnh chỉ mới đến được khu vực trung tâm của các huyện, chưa đến được với các vùng các xa trung tâm, trong khi đó, các xe “dù” hoạt động theo hình thức “xe hợp đồng” có xe trung chuyển, đưa đón khách tận nơi; hiện tại, có 3 tuyến xe buýt Đông Hà - Hồ Xá, Đông Hà - Hải Lăng, Cam Lộ - Cửa Tùng đang hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại của người dân từ 5 giờ 30 phút đến 18 giờ hằng ngày. Mặt khác, thời gian gần đây, lượng xe cá nhân tăng nhanh chóng dẫn đến lượng khách đi lại trên tuyến cố định giảm mạnh…

Hướng đến xây dựng các tuyến xe buýt

Trao đổi với chúng tôi về những kế hoạch trong thời gian tới đối với Bến xe phía Nam Đông Hà, ông Hùng thông tin: “Sở Giao thông vận tải đang hoàn thiện đề án chuyển đổi các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh sang hoạt động theo hình thức xe buýt và dự kiến triển khai thực hiện từ năm 2020. Bên cạnh đó, trên cơ sở đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các bến xe và các tuyến vận tải cố định, Sở đề xuất với UBND tỉnh giữ lại 2 bến xe chính là Bến xe Đông Hà, Bến xe Lao Bảo và xây dựng mới Bến xe Cửa Việt ở thị trấn Cửa Việt, còn lại các bến xe: Khe Sanh, Hồ Xá, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, Nam Đông Hà sẽ xem xét sử dụng vào mục đích khác”.

Theo ông Hùng, đề án chuyển đổi các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh thành tuyến xe buýt có lộ trình đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 theo phương thức xã hội hóa. Theo đó, giai đoạn từ năm 2019- 2025 dự kiến chỉ giữ lại 3 bến xe khách từ loại 2 trở lên để hoạt động vận tải khách liên tỉnh gồm: Bến xe Đông Hà, Bến xe Lao Bảo, Bến xe Cửa Việt (đang đầu tư xây dựng). Sử dụng các bến xe còn lại làm điểm đầu - cuối của các tuyến xe buýt và chuyển mục đích sử dụng đất tại các bến xe sáp nhập để thu hồi vốn nhằm đầu tư các công trình phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh. Duy trì, chấn chỉnh hoạt động của 3 tuyến xe buýt đang hoạt động và khảo sát mở 6 tuyến xe buýt mới nhằm phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn toàn tỉnh, thay thế các tuyến cố định của xe vận tải hành khách nội tỉnh. Giai đoạn từ năm 2026 - 2030, tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư nâng cấp phương tiện và chất lượng phục vụ hành khách, nâng cao chất lượng dịch vụ trên các tuyến xe buýt, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường; tổ chức biểu đồ khai thác hợp lí, nâng dần tần suất chạy xe nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân…

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Thanh Hùng cho biết thêm: “Đề án này đã được Sở báo cáo với UBND tỉnh lần thứ nhất và đang tiếp tục hoàn thiện để trình UBND tỉnh phê duyệt. Hi vọng rằng, sau khi đề án này được phê duyệt và triển khai sẽ góp phần tạo bước chuyển biến lớn trong hoạt động xe buýt của tỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ của các đơn vị vận tải, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh”.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143230