Cần siết chặt quản lý!

Thời gian qua, các ban ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn mũ bảo hiểm, kém chất lượng. Tuy nhiên, muốn loại bỏ tận gốc cần sự chung tay của các ban ngành, đơn vị, siết chặt quản lý và xử phạt nghiêm đối với các hành vi sản xuất, bán mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng.

Có thể thấy, vấn nạn mua, bán, sản xuất, sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng đã xảy ra từ rất lâu. Những năm qua, lực lượng chức năng cũng đã xử lý hàng loạt vụ vi phạm liên quan đến mặt hàng này. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có 1 quy định pháp luật chính thức để xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm kém chất lượng khi tham gia giao thông mà chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, khuyến khích người dân nên sử dụng mũ đạt chuẩn để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Mặc dù không đảm bảo chất lượng nhưng những chiếc mũ bảo hiểm giá rẻ vẫn được nhiều người tham gia giao thông lựa chọn.

Mặc dù không đảm bảo chất lượng nhưng những chiếc mũ bảo hiểm giá rẻ vẫn được nhiều người tham gia giao thông lựa chọn.

Theo Luật sư Ngọc Anh - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, ngay từ 1/7/2014, lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý vi phạm đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp máy (người điều khiển và người đi cùng) không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy. Hình thức xử phạt được xác định căn cứ theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/ 2013 để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, đối chiếu với Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì chỉ có quy định tại điểm i, k Khoản 3 Điều 6, điểm d điểm đ khoản 4 Điều 8 có quy định về việc xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hay đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông mà không hề có quy định nào quy định về việc người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đúng tiêu chuẩn. Trong khi đó, đối chiếu các quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 thì không có quy định nào xác định “kế hoạch” của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia được xem là một văn bản quy phạm pháp luật cả.

“Do đó, không thể coi những nội dung trong kế hoạch đó mang tính quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung như các văn bản quy phạm pháp luật khác được. Hiện tại, chưa có thông tư hướng dẫn hay sửa đổi, bổ sung nghị định 171/2013/NĐ-CP nên chưa có căn cứ để xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Theo quy định hiện hành, người tham gia giao thông chỉ bị xử phạt với hai lỗi đã được quy định tại NĐ 171/2013/NĐ-CP là không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách”, luật sư Ngọc Anh cho biết.

Để “đẩy lùi” mũ bảo hiểm kém chất lượng, thiết nghĩ các cơ quan chức năng, trong đó có Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về sự cần thiết phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đồng thời, niêm yết danh sách các thương hiệu mũ bảo hiểm đạt chuẩn để người dân được biết. Quan trọng hơn, muốn loại bỏ tận gốc mũ bảo hiểm “rởm”, “nhái”, cần thực thi nghiêm nhiệm vụ quản lý thị trường, loại bỏ việc sản xuất và bán mũ bải hiểm không đảm bảo chất lượng. Xử phạt mạnh tay, triệt để các cơ sở sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, tránh việc các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm “lách luật” để sản xuất. Muốn thực hiện được điều này, các lực lượng Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế phải vào cuộc sát sao.

K.Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-siet-chat-quan-ly-167845.html