Cần siết chặt quản lý dịch vụ giao hàng

Những năm gần đây, thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam phát triển mạnh, bên cạnh những mặt tích cực, lĩnh vực kinh doanh này đang phát sinh những hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, phải kể đến là trên các trang mạng xã hội rao bán các loại súng, hung khí tự chế, công cụ hỗ trợ... Vậy những món hàng “nóng” này đến tay khách hàng như thế nào?

Đặng Duy Phúc - đối tượng mua hung khí tự chế sử dụng để đánh nhau

Đặng Duy Phúc - đối tượng mua hung khí tự chế sử dụng để đánh nhau

Chỉ cần thao tác vài chữ trên TikTok, các hội nhóm trên mạng xã hội, các kênh Youtube thì hình ảnh các loại súng tự chế, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, thậm chí là vũ khí quân dụng xuất hiện với đủ chủng loại, màu sắc, kích cỡ có giá từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng. Thâm nhập vào 1 hội nhóm trên Facebook với 25.000 thành viên, trung bình mỗi ngày nhóm đều có bài tương tác. Các loại đao, kiếm, mã tấu, đồ tự vệ được đăng trên nhóm rất “bắt mắt” với lời mời gọi hấp dẫn như: không cọc, được kiểm hàng, giá rẻ, miễn ship toàn quốc, giao hàng tận nơi thanh toán. Mỗi bài đăng đều có lượt bình luận rôm rả như: “giá cây ngắn bao nhiêu vậy”, “2 xị không shop”, “Được kiểm không shop”, “xin giá”, “còn không shop”...

Luật Bưu chính năm 2010 quy định cụ thể về các vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính; những hành vi cấm gửi hàng hóa, vật phẩm không được gửi; các quy định cụ thể đối với nhân viên bưu điện là phải kiểm tra, nắm rõ loại hàng hóa được vận chuyển và thông tin, địa chỉ của người giao và nhận hàng; đồng thời có quyền từ chối cung ứng dịch vụ bưu chính nếu phát hiện đó là hàng cấm.

Thế nhưng vì nhiều lý do, tình trạng lợi dụng dịch vụ bưu chính, trong đó có hoạt động chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng cấm vẫn có những diễn biến phức tạp. Chưa bao giờ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính lại phát triển như hiện nay, các doanh nghiệp không chỉ tăng về số lượng mà mở rộng cả về địa bàn hoạt động. Thượng tá Nguyễn Quốc Hải - Phó Trưởng Công an TP Cao Lãnh, cho biết: “Lực lượng chức năng và Công an TP Cao Lãnh đã phát hiện, bắt giữ, tạm giữ và xử lý rất nhiều vụ có liên quan đến chuyển phát nhanh đối với các loại hàng hóa trên địa bàn thành phố. Qua đó, các mặt hàng chủ yếu vi phạm pháp luật trong thời gian vừa qua là tàng trữ, vận chuyển và mua bán các loại hung khí, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép trên địa bàn thông qua các dịch vụ chuyển phát nhanh như: chành, các công ty”.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 15 doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính, bưu chính chuyển phát với 275 điểm phục vụ, số lượng nhân viên khoảng 1.800 người. Đặc thù của ngành này lại sử dụng phần lớn là lao động phổ thông, nhân viên chỉ cần có trình độ lớp 12 đã có thể xin được việc làm. Đa phần nhận thức của nhân viên về vấn đề an ninh, an toàn hoạt động bưu chính còn nhiều hạn chế. Thực tế, nhiều nhân viên trong quy trình làm việc đã nhận hàng một cách hời hợt, hoàn toàn không hỏi và không kiểm tra hàng hóa bên trong là gì. Người nhận đã vậy, người giao cũng qua loa không kém. Khi được hỏi nội dung món hàng bên trong thì mới xem lại hoặc trả lời một cách sơ sài.

Hiện nay, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng mua bán, vận chuyển hàng cấm rất tinh vi, trong đó có loại hàng là vũ khí, hung khí tự chế, công cụ hỗ trợ. Chủ yếu lợi dụng dịch vụ bưu chính chuyển phát còn nhiều kẽ hở để giao, nhận hàng. Các đối tượng thường sử dụng số điện thoại, tài khoản mạng xã hội không chính chủ để quảng cáo, liên hệ với người mua. Sau khi thống nhất về giá cả, cách thức thanh toán, vận chuyển thì những loại “hàng nóng” này được hứa hẹn sẽ đến tay khách hàng chỉ trong vài ngày.

Người mua, kẻ bán bình luận trên 1 hội nhóm mua bán hung khí tự chế trên mạng xã hội

Người mua, kẻ bán bình luận trên 1 hội nhóm mua bán hung khí tự chế trên mạng xã hội

Đó là một trong những nguyên nhân khiến các “con buôn hàng nóng” dễ dàng giao đến tận tay nhiều đối tượng. Chắc chắn rằng, hàng loạt những lỗ hổng trong công tác quản lý hoạt động bưu chính chuyển phát hiện nay sẽ được các đối tượng tiếp tục khai thác triệt để; từ đó làm phức tạp thêm các hoạt động phạm tội liên quan đến mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, hung khí tự chế, vật liệu nổ... và các loại hàng cấm khác trong nội địa. Ông Phạm Minh Ngọc - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, chia sẻ: “Trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và làm cơ sở để thực hiện kiểm tra, xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm này. Ngoài ra, về ý thức của người tham gia lĩnh vực thương mại điện tử mua bán, giao nhận hàng hóa trên dịch vụ bưu chính chuyển phát chưa cao, các doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định pháp luật về tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, kiểm soát hàng hóa, nên trong quá trình kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện những hạn chế. Ngành đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan báo, đài, các sở, ngành địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, đồng thời thực hiện tốt hơn quy định về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này trong thời gian tới”.

Vận chuyển hàng nhanh đã trở thành dịch vụ không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, thời công nghệ 4.0. Song, việc siết chặt công tác quản lý đối với dịch vụ bưu chính chuyển phát còn nhiều bỏ ngỏ, các ngành ở địa phương lúng túng trong công tác phối hợp kiểm tra, giám sát các loại thư tín, bưu kiện, bưu phẩm. Từ đó, tạo kẻ hở để các loại súng, hung khí tự chế và hàng cấm khác có cơ hội lưu thông, vẫn đến tay những đối tượng có ý đồ không tốt, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người về những hệ lụy mà nó gây ra.

Thanh Thảo

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/phap-luat/can-siet-chat-quan-ly-dich-vu-giao-hang-125528.aspx