Cần sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sinh hoạt
Theo thông tư mới của Bộ Y tế, từ ngày 1-2-2022, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sinh hoạt.
Việc xây dựng và ban hành quy chuẩn này nhằm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng nước sạch sinh hoạt của tỉnh và là cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch cấp cho người dân.
* Chưa thống nhất ý kiến
Năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành thông tư về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1/2018/BYT). Trong thông tư này, Bộ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sinh hoạt đảm bảo thực hiện có hiệu quả trước ngày 1-7-2021.
Tuy nhiên, do mới có ít địa phương thực hiện nên cuối năm 2021, Bộ tiếp tục ban hành thông tư trong đó yêu cầu các địa phương chưa ban hành quy chuẩn phải thử nghiệm toàn bộ các thông số chất lượng nước sạch sinh hoạt và tiếp tục áp dụng 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước đã ban hành năm 2009. Từ ngày 1-2-2022, các địa phương xây dựng và ban hành tiêu chuẩn của địa phương.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 396,4 ngàn công trình khai thác nước đang hoạt động, trong đó hơn 364,5 ngàn công trình khai thác nhỏ lẻ (hơn 10m3/ngày). Từ trước đến nay việc quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng nước của các cơ sở cấp nước này tuân thủ theo 2 quy chuẩn là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT) của Bộ Y tế. Việc ban hành quy chuẩn của tỉnh và áp cho tất cả cá nhân, đơn vị cấp nước là cần thiết để đảm bảo chất lượng nước, quản lý và giám sát.
Theo ông Lương Trường Vĩnh, Phó khoa Sức khỏe môi trường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), cuối năm 2021, Sở Y tế có ban hành công văn đề xuất không ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt gửi 11 địa phương cấp huyện và 4 sở. Kết quả có 8/11 huyện, thành phố đóng góp ý kiến, tất cả đều thống nhất với đề xuất không ban hành. 4 Sở là: KH-CN, TN-MT, NN-PTNT, Xây dựng có ý kiến sửa đổi, xây dựng lộ trình, tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sinh hoạt.
Sở dĩ Sở Y tế đề xuất không xây dựng, ban hành quy chuẩn chất lượng nước sạch vì thông tư chỉ nói sau ngày 1-2-2022 chứ không giới hạn thời gian tối thiểu, cũng không có nội dung bắt buộc tất cả các địa phương đều phải ban hành quy chuẩn. Trong thời gian chờ ban hành quy chuẩn của tỉnh vẫn có thể áp dụng quy chuẩn quốc gia do Bộ Y tế ban hành.
Bên cạnh đó, hiện nhiều đơn vị cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn chưa đạt được 14 tiêu chuẩn theo QCVN 02/2009/BYT về chất lượng nước sinh hoạt. Việc áp dụng quy chuẩn QCVN 01-1/2018/BYT với 99 tiêu chuẩn gặp nhiều khó khăn. Nếu ban hành thêm quy chuẩn mới với các tiêu chuẩn bằng hoặc cao hơn quy chuẩn của Bộ sẽ rất khó áp dụng vì đa phần các công trình xử lý nước sạch nông thôn đã xuống cấp, hoạt động không ổn định, công nghệ xử lý lạc hậu. Trường hợp buộc các cơ sở cấp nước ngưng hoạt động vì không đáp ứng các tiêu chuẩn thì không có nguồn nước cung cấp cho người dân sử dụng.
* Cần ban hành sớm nhất có thể
Từ năm 2009 đến nay, Bộ Y tế đã ban hành 3 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước với rất nhiều tiêu chuẩn áp dụng cho toàn quốc. Tuy nhiên, do mỗi tỉnh có đặc thù riêng, việc áp dụng thông nhất nảy sinh nhiều bất cập, khó khăn cho các cơ sở cấp nước và cơ quan kiểm tra, giám sát nên Bộ này ban hành thông tư yêu cầu các địa phương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sinh hoạt.
Ông Hứa Quốc Bách, Phó trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT) cho rằng, việc xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sinh hoạt là thực hiện theo quy định của pháp luật. Không nên đề xuất không ban hành mà đưa ra lộ trình ban hành, áp dụng quy chuẩn cho cả công trình cấp nước sạch đô thị trên 1 ngàn m3 và công trình cấp nước sạch nông thôn dưới 1 ngàn m3/ngày.
Sở Xây dựng kiến nghị Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sinh hoạt. Đồng thời, nghiên cứu, khắc phục vướng mắc cho các công trình cấp nước hiện hữu quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình. Tương tự Sở NN-PTNT cũng cho rằng cần phải xây dựng quy chuẩn địa phương vì tiêu chuẩn đánh giá nước sạch nông thôn mới theo QCVN 02:2009/BYT ban hành năm 2009 đã quá cũ, nước sạch nông thôn mới khó áp dụng quy chuẩn QCVN
01-1/2018/BYT.
Làm việc với các sở, ban, ngành về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt là thực hiện theo quy định của pháp luật. Do đó, Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và tham mưu tỉnh ban hành quy chuẩn của tỉnh sớm nhất có thể trong năm 2022. Nội dung quy chuẩn dự thảo phải thống nhất, đồng bộ với Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, không chồng chéo về tiêu chuẩn kỹ thuật, quản lý. Trong khi chờ ban hành quy chuẩn địa phương, Sở Y tế xin ý kiến Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT về tiêu chuẩn nước đánh giá nông thôn mới thay thế cho QCVN 02:2009/BYT.
Sở Xây dựng sớm hoàn thiện Đề án cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đề án cấp nước sạch nông thôn ưu tiên phát triển mạng lưới nước sạch đô thị về nông thôn vừa hạn chế khai thác nước ngầm vừa thuận lợi công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước cấp cho người dân. Sở NN-PTNT ra soát các công trình cấp nước sạch tập trung ở vùng nông thôn, công trình hoạt động không ổn định, hiệu quả thấp, chất lượng không đảm bảo, khó nâng cấp và quản lý vận hành đề xuất tạm ngưng.