Cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn quản lý mã số vùng trồng
Điều 64 Luật Trồng trọt 2018 (có hiệu lực từ 1/1/2020) quy định về quản lý mã số vùng trồng (MSVT), nhưng cho đến nay Nghị định hướng dẫn về nội dung này vẫn đang được soạn thảo.
Lúng túng trong quản lý
Tại Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu (XK) sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam” do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (Krông Búk, Đắk Lắk) chia sẻ, ông “chưa an tâm” về tính bền vững trong công tác cấp, quản lý MSVT.
Đại diện Hợp tác xã này đưa ra 3 vấn đề băn khoăn. Thứ nhất, một số đơn vị đứng chủ MSVT nhưng chưa mua được sản phẩm từ mã số. Tuy nhiên, từ các MSVT này, một số đơn vị vẫn làm thủ tục XK bình thường. Thứ hai, những sản phẩm có MSVT được làm chuẩn như nhật ký ghi chép, theo dõi, giám sát sinh vật gây hại… thì giá bán cũng ngang bằng, thậm chí thấp hơn những đơn vị khác; Thứ ba, việc tranh mua, tranh bán diễn ra thường xuyên.
“Rất nhiều thương lái đến hỏi mua sầu riêng nhưng không quan tâm đến MSVT. Tôi hỏi tại sao sản phẩm đi XK mà không quan tâm đến MSVT, thì họ nói là việc mua bán MSVT giờ quá đơn giản…” - ông Chiến bức xúc, đồng thời cho biết có những đơn vị “không cần làm gì” mà vẫn tham gia vào chuỗi cung ứng. “Họ chỉ cần ngồi quán cà phê, DN trả giá nào, họ sẵn sàng trả cao thêm 2 giá để mua từ người dân…”.
Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT Giám đốc Công ty CP Công nghệ Auto Agri, Luật Trồng trọt 2018 có hiệu lực từ 1/1/2020, trong đó Điều 64 quy định về quản lý MSVT, Luật có hiệu lực 3 năm nay nhưng vẫn chưa có hướng dẫn. “Căn cơ vẫn là thực thi pháp luật nhưng chúng ta thực thi quá chậm. Hy vọng Điều 64 sớm được triển khai…” - bà Thực đề nghị.
Cũng theo bà Thực, áp lực thị trường, nguồn cung hàng hóa đang tạo tiêu cực trong vấn đề cấp MSVT và cơ sở đóng gói (CSĐG) sầu riêng. “Vừa rồi tỉnh Đắk Lắk cũng ra văn bản hướng dẫn về quản lý MSVT nhưng sau đó phải thu hồi vì không đúng...” - bà Thực cho hay.
Từ thực tế triển khai MSVT, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành/trình ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai việc cấp, quản lý MSVT thay vì chỉ dựa vào tài liệu kỹ thuật như hiện nay; Đồng thời tích hợp, đồng bộ dữ liệu cấp MSVT từ TW đến địa phương trên cơ sở dữ liệu quốc gia.
Theo đại diện UBND huyện Krông Pắc (Đắk Lắk), cùng với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý MSVT, cần xem xét ban hành văn bản chế tài chi tiết về các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng MSVT, CSĐG, chất lượng sản phẩm XK và bán nội địa để nâng cao hiệu quả quản lý, tuân thủ các quy định trong sản xuất, kinh doanh nông sản nói chung và sầu riêng nói riêng.
Đang soạn thảo Nghị định về quản lý mã số vùng trồng
Trước đó, theo thông tin tại “Hội nghị tăng cường quản lý nhà nước về MSVT và CSĐG” do Bộ NN&PTNT tổ chức hồi cuối tháng 8/2023, cả nước đã có 6.883 MSVT và 1.588 mã số CSĐG nông sản được cấp, tập trung phần lớn vào các sản phẩm: xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng. Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng dẫn đầu về số lượng MSVT và CSĐG. Tuy nhiên, tỷ lệ giám sát MSVT sau khi cấp đối với vùng trồng là 40,8%, CSĐG là 17%.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, con số trên quá thấp so với yêu cầu thực tế cần phải giám sát hàng năm… “Số lượng lớn các thông báo vi phạm của nước nhập khẩu cũng như tình trạng các lô hàng không đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và không được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu đang cảnh báo cho chúng ta về công tác quản lý vùng trồng và CSĐG XK…” - Thứ trưởng lưu ý.
Ông Hoàng Trung cũng thừa nhận vẫn còn hiện tượng sử dụng MSVT chưa đúng; các tranh chấp về quyền sở hữu MSVT vẫn còn diễn ra ở một vài nơi, chưa được xử lý dứt điểm; tình trạng thu hái, XK sản phẩm không đạt chất lượng vẫn diễn ra…
“Căn nguyên của vấn đề chính là việc kiểm soát tại gốc từ vùng trồng, CSĐG chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực hiện các quy trình kỹ thuật một cách nghiêm ngặt theo yêu cầu của các nước nhập khẩu; các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc giám sát sau khi được cấp MSVT…” - Thứ trưởng nhận định.
Trước đề xuất của DN và các địa phương về việc sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quản lý MSVT, bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ đang soạn thảo Nghị định về Quản lý MSVT và cùng với đó là Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực MSVT. Theo bà Hiên, việc soạn thảo phải tuân theo quy trình của Luật Văn bản quy phạm pháp luật nên không thể ban hành ngay được.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng bày tỏ mong muốn Bộ NN&PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện xây dựng nghị định, quy định để làm tốt công tác quản lý MSVT, CSĐG. Đồng thời cho biết sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, đưa phần mềm quản lý vùng trồng và CSĐG chính thức vào sử dụng; Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cấp và quản lý MSVT tại địa phương.