Cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù với các cơ quan báo chí
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ TT-TT, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan trong công tác quản lý báo chí, có giải pháp chấm dứt chuyện 'đánh đấm' trên báo chí.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đối với các cơ quan báo chí vì nếu coi những cơ quan báo chí là doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng thì khó hoàn thành phần nhiệm vụ chính trị được giao. Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, tuyệt đối không được chủ quan trong công tác quản lý báo chí, có giải pháp chấm dứt chuyện "đánh đấm" trên báo chí.
Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ TT-TT phải ứng xử nhanh, can thiệp để loại bỏ sớm những thông tin xấu độc, bởi nếu lan rộng thì tác hại khôn lường.
Trước sức ép của mạng xã hội, Bộ TT-TT cần có giải pháp nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của báo chí để người làm báo có thể sống và trụ lại với nghề; tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025; quan tâm nhiều hơn đến thị trường sách và nhà xuất bản.
Tại Hội nghị một số nội dung được đề cập tới như sau:
Thứ nhất, Bộ TT-TT đã kịp thời hoàn thiện thể chế và pháp luật, Luật Báo chí năm 2016 đang được đưa vào chương trình sửa luật, tạo điều kiện để báo chí phát triển.
Thứ hai, về quy hoạch, phát triển, quản lý báo chí đến năm 2025 đã được quan tâm triển khai đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình và hoàn thành giai đoạn 1.
Hiện, Ban tuyên giáo, Bộ TT-TT đang phối hợp để triển khai giai đoạn 2 nhất là các địa phương, đơn vị có tính đặc thù như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn. Đây là 3 cơ quan chủ quản của nhiều cơ quan báo chí lớn có tác động mạnh và định hướng dư luận xã hội.
Thứ ba, Bộ TT-TT đã tham mưu cho Thủ tướng Quyết định phê duyệt về Chiến lược CĐS báo chí, hỗ trợ, hướng dẫn và đánh giá cơ quan báo chí thực hiện CĐS. Đối với những cơ quan báo chí nào thực sự khó khăn, chưa có điều kiện, kinh nghiệm thì cần có tổ công tác hỗ trợ, giúp đỡ cho các đơn vị này.
Thứ tư, Bộ TT-TT tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 07 về truyền thông chính sách, xác định trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước trong truyền thông chính sách. Bộ TT-TT và Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp để chỉ đạo vấn đề này rất tốt.
Thứ năm, công tác quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản truyền thông có nhiều đổi mới, việc xử lý vi phạm được tăng cường. Bộ TT-TT đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo trong định hướng tuyên truyền các cự kiện lớn, quan trọng, phức tạp và nhạy cảm.
Thứ sáu, về vấn đề xử lý, bóc gỡ thông tin độc xấu, bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng bằng giải pháp kỹ thuật có nhiều chuyển biến đột phá, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật tinh tế được Bộ TT-TT thực hiện quyết liệt và hiệu quả.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-som-co-co-che-chinh-sach-dac-thu-voi-cac-co-quan-bao-chi.html