Cần sớm có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế

Thiếu thuốc và vật tư y tế đang là tình trang chung của nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Điều này đang ảnh hưởng tới người bệnh và chất lượng khám chữa, bệnh của ngành y tế. Vậy giải pháp nào cho vấn đề này?

Thiếu cả thuốc thông thường

Bà B.T.K, ở phường Nam Cường, thành phố Lào Cai bị huyết áp cao mãn tính. Từ nhiều năm nay, bà K được bác sỹ chỉ định khám định kỳ hằng tháng để lấy thuốc điều trị huyết áp theo diện khám thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, cách đây vài ngày, bà K đi khám để lấy thuốc theo lịch hẹn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì được được các bác sỹ cho biết, thuốc huyết áp mà bà vẫn được kê trước đây trong danh mục thuốc BHYT chi trả đang tạm thời hết, khiến bà khá lo lắng.

Bà K tâm sự: Tôi bị huyết áp cao mãn tính, lại bị tai biến thoáng qua 2 lần nên lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn thuốc ở nhà. Tôi rất lo lắng khi bác sỹ bảo bệnh viện đang tạm thời hết loại thuốc mà tôi đang dùng. Bác sỹ cũng tư vấn có thể đổi sang loại thuốc khác có thành phần tương tự mà bệnh viện vẫn còn hoặc đi mua ở các hiệu thuốc ngoài bệnh viện. Tôi quen dùng thuốc do bệnh viện cấp nhiều năm nay nên không muốn đổi thuốc mới, sợ không hợp. Tuy nhiên, cực chẳng đã, tôi chấp nhận mua thuốc bên ngoài bệnh viện. Nhưng việc tham gia BHYT mà vẫn phải bỏ tiền mua thuốc ngoài như thế này là rất vô lý.

Bệnh nhân làm thủ tục khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bệnh nhân làm thủ tục khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Không chỉ bà K, nhiều bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thời gian gần đây với các bệnh lý mạn tính, như tiểu đường, huyết áp, thiếu máu não…cũng gặp tình trạng tương tự. Ngoài ra, một số loại thuốc kháng sinh phổ rộng thông thường, thuốc bổ trợ…cũng đang trong tình trạng thiếu hụt. Kho thuốc hiện chỉ đủ để ưu tiên cho các bệnh nhân điều trị nội trú, các bệnh nhân cấp cứu, nguy kịch.

Không chỉ thiếu thuốc, nhiều vật tư y tế cũng đang trong tình trạng không đủ đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân cũng như điều kiện khám, chữa bệnh của các y, bác sỹ. Ông Phạm Văn Thinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Theo quy định, cứ 2 năm/lần, bệnh viện sẽ được cung cấp các loại thuốc trong danh mục BHYT theo quy định đấu thầu. Đến đầu năm 2022 là thời hạn thực hiện gói thầu mới cung cấp thuốc, vật tư y tế cho các bệnh viện và cũng là lúc kho thuốc của bệnh viện bắt đầu gặp tình trạng thiếu hụt. Tuy nhiên, thời gian vừa qua Bộ Y tế cũng như địa phương rất khó khăn trong việc thực hiện đấu thầu thuốc và vật tư y tế. Việc thiếu một số loại thuốc điều trị thông thường hay một số vật tư y tế phức tạp đã gây ảnh hưởng đến việc thăm khám, điều trị cho bệnh nhân. Như việc một số ca bệnh mổ thay sụn khớp, đĩa đệm…đều phải tạm thời dừng lại, đợi vật tư, dẫn đến một số bệnh nhân đã đề nghị được chuyển tuyến để chữa trị kịp thời. Đó cũng là một phần lý do khiến lượng bệnh nhân chuyển tuyến thời gian qua tăng cao hơn trước. Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu tháng 6 đến nay, lượng bệnh nhân chuyển tuyến tăng gần 200 lượt so với tháng 5.

Dù tình hình không trầm trọng như ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhưng Bệnh viện Sản –Nhi tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu thuốc. Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Thuốc Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh cho biết: Hiện, bệnh viện chỉ đáp ứng được trên 50% nhu cầu thuốc của bệnh nhân, trong đó thiếu các loại thuốc đặc trị, đơn cử như kháng sinh. Việc thiếu thuốc kháng sinh đặc trị buộc bệnh viện phải phối hợp các loại kháng sinh khác nhau, khiến cho bệnh nhân phải tiêm nhiều lần trong ngày thay vì một lần như trước.

Bệnh nhân gặp nhiều khó khăn do thiếu thuốc chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Bệnh nhân gặp nhiều khó khăn do thiếu thuốc chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Không chỉ tại các bệnh viện tuyến tỉnh, các bệnh viện tuyến huyện cũng đang gặp phải tình trạng tương tự. Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng có quy mô 350 giường bệnh, mỗi ngày tiếp đón, khám và điều trị cho khoảng 300 – 500 bệnh nhân. Từ đầu tháng 6 tới nay, bệnh viện cũng bắt đầu thiếu thuốc và vật tư y tế trong điều trị.

Bà T.T.M ở thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng bị tiểu đường mạn tính. Khi đến tái khám theo định kỳ tại bệnh viện, bà M được bác sỹ tư vấn chuyển sang dùng thuốc khác trong danh mục BHYT có công dụng tương tự vì loại thuốc cũ bệnh viện đang tạm hết. Bà M cho biết: Bây giờ không có thuốc thì không thể được, mà mua thuốc ngoài bảo hiểm thì rất khó khăn cho gia đình.

Nguyên nhân do đâu?

Không thể vì những vi phạm xảy ra mà để cả hệ thống tê liệt. Những khó khăn trước đây như thu nhập của nhân viên y tế, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, thuốc men không những không được cải thiện mà còn tệ hơn bao giờ hết. Đề nghị Quốc hội rà soát, cho ý kiến chi tiết, cụ thể, sớm hoàn thiện dự thảo luật khám chữa bệnh trong kỳ này và thông qua ở kỳ tiếp theo. Ông cũng đề nghị Quốc hội giám sát để Chính phủ sớm ban hành các nghị định, các bộ sớm ban hành thông tư để tháo gỡ “vướng mắc nghiêm trọng” của hệ thống y tế.

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV

Lý giải về việc thiếu thuốc chữa bệnh tại các cơ sở y tế, bà Nguyễn Thị Kim Ánh, Phó giám đốc Sở Y tế Lào Cai cho biết: Việc mua thuốc và vật tư y tế được thực hiện theo hình thức đấu thầu tập trung. Trong đó, việc mua thuốc điều trị tại các cơ sở y tế được thực hiện hằng năm, một số danh mục thuốc được mua tập trung theo cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có kết quả đấu thầu các loại thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia cũng như cấp địa phương (đang trong quá trình thực hiện), trong khi đó thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu cũ đã hết hạn từ ngày 31/12/2021 dẫn đến các đơn vị y tế bị động trong việc cung ứng thuốc tại đơn vị.

Ngoài ra thì do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài trong thời gian qua cũng gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng thuốc. Một số mặt hàng thuốc hết hiệu lực số đăng ký, nhiều mặt hàng tăng giá do tăng chi phí vận chuyển, hạn chế nhập khẩu, các thuốc sản xuất trong nước nguồn nguyên liệu nhập khẩu khan hiếm... dẫn đến không có hàng hoặc tăng giá hàng. Trong khi đó, số lượng người đi khám bệnh và số bệnh nhân tăng nhanh ở hầu hết các bệnh viện trên địa bàn tỉnh sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát dẫn đến thiếu hụt cục bộ một số mặt hàng thuốc.

Đặc biệt, trước các sự cố gần đây liên quan đến mua sắm thuốc, vật tư y tế trên phạm vi cả nước đã ít nhiều gây tâm lý lo lắng cho các nhà quản lý khi tiến hành mua sắm theo quy định. Việc tự tổ chức thực hiện đấu thầu tại các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục đấu thầu gồm nhiều bước, các đơn vị chưa có đủ nhân lực có kinh nghiệm trong công tác tự thực hiện thầu....

Giải pháp tình thế

"Mọi người dân khi tham gia BHYT sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định của Luật BHYT. Việc các cơ sở y tế không đáp ứng nhu cầu thuốc chữa bệnh của bệnh nhân tham gia BHYT là vi phạm Luật BHYT và hợp đồng ký kết giữa Bảo hiểm xã hội và các cơ sở y tế. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo các cơ sở y tế khẩn trương có giải pháp để đảm bảo thuốc chữa bệnh BHYT. Việc thiếu thuốc chữa bệnh BHYT chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh, cũng như mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh

Để giải quyết những khó khăn trước mắt, mỗi đơn vị, địa phương đã có những giải pháp tình thế cụ thể. “Đầu năm 2022, chúng tôi đã dự đoán được tình hình đấu thầu thuốc gặp khó khăn nên đã chủ động mua thêm 20% các loại thuốc thiết yếu theo quy định để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số loại thuốc và vật tư đang thiếu dần. Chúng tôi yêu cầu các bác sỹ khi thăm khám và điều trị cho bệnh nhân cần có tư vấn, hướng dẫn cẩn thận, cụ thể về tình trạng bệnh cũng như các loại thuốc phù hợp có thể sử dụng để thay thế những loại thuốc đang tạm thời thiếu”, ông Đinh Việt Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng cho biết.

Với quan điểm “Không để bệnh nhân không có thuốc chữa bệnh”, Sở Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong ngành chủ động, linh hoạt, khẩn trương lựa chọn các hình thức đấu thầu, như chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp… để đảm bảo có đủ thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh; tăng cường đào tạo, tập huấn, cử cán bộ có kinh nghiệm để hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế thực hiện đấu thầu; đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc đấu thầu tập trung cấp địa phương năm 2022-2023 trên địa bàn tỉnh Lào Cai và chủ động liên hệ với Trung tâm mua sắm tập trung cấp quốc gia để có thông tin chính xác về kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tập trung cấp quốc gia.

Việc thiếu thuốc và vật tư y tế đang là vấn đề cấp bách ở nhiều địa phương trong cả nước chứ không riêng Lào Cai. Nó không còn đơn thuần dừng lại ở những hạn chế trong đấu thầu hay câu chuyện kinh tế, mà cần được hiểu là vấn đề liên quan đến sức khỏe con người, quyền được khám chữa bệnh của Nhân dân. Vì vậy các đơn vị trong ngành y tế, các địa phương và Bộ Y tế cần nhanh chóng có giải pháp khắc phục, sớm đảm bảo nguồn thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/357517-can-som-co-giai-phap-khac-phuc-tinh-trang-thieu-thuoc-va-vat-tu-y-te