Cần sớm có luật về 'tiền ảo'

Đối mặt với nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố bằng đồng tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hóa), các chuyên gia cho rằng cần phải sớm có luật về đồng tiền này để có thể điều chỉnh các hành vi vi phạm liên quan.

Chia sẻ tại Hội nghị "Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa", do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức ngày 20/9, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam dẫn báo cáo của Grand View Research cho biết dù rất non trẻ, nhưng thị trường công nghệ blockchain toàn cầu (công nghệ chuỗi khối, bao gồm cả việc tạo ra đồng tiền kỹ thuật số, tiền ảo) sẽ đạt giá trị hơn 1.400 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ này không chỉ mang lại những lợi ích đặc biệt về kinh tế, xã hội mà còn tạo ra các tồn tại vô hình và thách thức trong công tác quản lý, đặc biệt là đối với các hoạt động rửa tiền xuyên biên giới.

Theo Văn phòng Ma túy và Tội phạm trực thuộc Liên hợp quốc, tổng giá trị hoạt động rửa tiền trên toàn cầu mỗi năm có thể ngang bằng 2-5% GDP toàn thế giới, tương đương 800 - 2.000 tỷ USD. Đặc biệt, rửa tiền thường liên quan đến việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp, tài trợ khủng bố, buôn người, tham ô, giao dịch nội gián, đánh bạc hay các đường dây mại dâm xuyên biên giới do các tội phạm có tổ chức quy mô lớn thực hiện. Vì vậy, công tác phòng, chống rửa tiền là ưu tiên của tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam từ rất sớm.

Nhiều đối tượng nhắm đến tiền kỹ thuật số để rửa tiền.

Nhiều đối tượng nhắm đến tiền kỹ thuật số để rửa tiền.

Tại Việt Nam, hiện chưa ghi nhận các vụ việc rửa tiền bằng tiền ảo. Nhưng đã có một số vụ án hình sự liên quan đến việc chiếm đoạt tiền ảo như: nhận tiền ảo nhưng sau đó không trao lại tiền cho các nhà đầu tư, hoặc nhận tiền đầu tư rồi chiếm đoạt, cùng nhau hợp tác công sức để tạo lập tiền ảo, chia kết quả bằng tiền ảo nhưng người này lại chiếm đoạt tiền ảo của người kia khi giá tiền ảo lên cao, hoặc do mâu thuẫn với nhau trong làm ăn…

Nếu coi tiền ảo là tài sản thì vụ việc sẽ được các cơ quan dễ dàng giải quyết theo quy định của Bộ Luật hình sự về các tội danh chiếm đoạt. Điển hình là vụ án cướp bitcoin xảy ra tại TP Hồ Chí Minh tháng 5/2020, sau 3 năm mới được đưa ra xét xử sơ thẩm vào tháng 5/2023. Tòa án cấp sơ thẩm đã bác các quan điểm của luật sư cho rằng, hiện pháp luật Việt Nam chưa công nhận tiền ảo là tài sản, nên không có căn cứ để xử lý các bị cáo về hành vi cướp bitcoin. Hay như vụ ông Nguyễn Việt Cường khởi kiện yêu cầu hủy quyết định truy thu thuế (vì ông tham gia trao đổi bitcoin) của Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Bến Tre và Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bến Tre.

Theo đó, TAND tỉnh Bến Tre đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Cường, hủy các quyết định truy thu thuế đối với ông Cường vì chưa có bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa, tiền ảo là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các khung quy định dành cho thị trường tiền mã hóa còn bỏ ngỏ, nguy cơ hoạt động rửa tiền mã hóa tại Việt Nam sẽ tăng cao trong thời gian tới. Bên cạnh tội phạm rửa tiền mã hóa xuyên biên giới, thì tội phạm rửa tiền truyền thống ở trong nước cũng sẽ tìm đến thị trường đầy tiềm năng này do không bị ràng buộc pháp lý.

“Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng trên trường quốc tế, cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, chúng ta phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền mã hóa, nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ”, ông Nguyễn Quốc Hùng, TTK Hiệp hội Ngân hàng bày tỏ lo ngại.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/can-som-co-luat-ve-tien-ao-i707765/