Cần sớm di dời cơ sở chăn nuôi ra ngoài khu dân cư
Nhờ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ có thu nhập cao, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Tuy vậy, không ít cơ sở chăn nuôi nằm trong khu đô thị, khu dân cư gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh.
Ám ảnh trại lợn ô nhiễm
Nhiều năm qua, người dân thôn An Phú 1, xã Mỹ An (Lục Ngạn) bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường từ hai trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Hiền và ông Nguyễn Văn Tuyến nằm trong khu dân cư. Ông Lê Văn Tới sinh sống gần đó phản ánh, gia đình ông thường xuyên phải đóng cửa, thậm chí khi đi ngủ vẫn phải đeo khẩu trang.
“Gần hai chục chiếc quạt gió từ hai trại lợn chĩa thẳng vào cửa nhà tôi suốt ngày đêm, mùi hôi phả vào trong phòng trở thành nỗi ám ảnh của cả nhà suốt nhiều năm nay. Gia đình đã làm đơn gửi chính quyền địa phương, đề nghị chủ các trại lợn có biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí, di chuyển quạt gió ra vị trí khác nhưng đến nay đâu vẫn đóng đó”, ông Tới than thở.
Ông Lê Văn Lũy, Chủ tịch UBND xã Mỹ An thông tin, trại lợn của gia đình ông Hiền và ông Tuyến hoạt động từ mấy năm nay, thường xuyên nuôi hàng trăm con lợn. Đối chiếu với quy định thì trang trại không bảo đảm khoảng cách với các hộ liền kề. Cùng đó, nước thải xả ra môi trường vượt quy chuẩn từ 2 đến gần 5 lần cho phép. Vì vậy, UBND xã nhiều lần lập biên bản, yêu cầu khắc phục và xử phạt hành chính đối với mỗi hộ.
Tháng 7/2023, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn xử phạt 22,5 triệu đồng với hộ ông Hiền, yêu cầu phải thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường. Còn hộ ông Tuyến đang chờ cơ quan chức năng lấy mẫu quan trắc nước thải, từ đó sẽ có căn cứ xử phạt. Theo tìm hiểu của phóng viên, dù chính quyền địa phương đã áp dụng một số chế tài song tình trạng ô nhiễm chưa được khắc phục. Thậm chí hộ ông Hiền còn nhiều lần gây khó khăn, không hợp tác mỗi khi cán bộ có thẩm quyền đến làm việc.
Ngoài hai trại lợn nói trên, huyện Lục Ngạn có một số cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, chủ yếu là gà, vịt, lợn quy mô vài trăm con thuộc địa bàn các xã: Thanh Hải, Nam Dương, Trù Hựu, Kiên Lao nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Tháng 5 vừa qua, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở chăn nuôi này và đề nghị chủ các cơ sở phải tuân thủ đúng quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Cạnh Trường Tiểu học Bắc Lý số 2 (Hiệp Hòa) có một trang trại nuôi lợn, chim bồ câu quy mô hàng nghìn con. Mỗi ngày đến trường, hơn 500 học sinh, cán bộ, giáo viên thường xuyên bị "tra tấn" bởi mùi hôi thối bốc lên từ trang trại này dù đã đóng cửa, kéo rèm che. Giờ giải lao, nhiều em học sinh không muốn ra sân vận động, vui chơi. Cán bộ UBND thị trấn Bắc Lý và Phòng Nông nghiệp và PTNT của huyện đã xuống kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn chủ cơ sở sử dụng men vi sinh để giảm thiểu ô nhiễm.
Tương tự, ở nhiều nơi khác, người dân bức xúc về tình trạng ô nhiễm do cơ sở chăn nuôi gây ra như tại tổ dân phố 1A, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang); thôn Hồng Giang, xã Đức Giang (Yên Dũng); thôn Bồng 1, xã Thanh Hải và thôn Thanh Tân, xã Trù Hựu (Lục Ngạn)...
Xây dựng lộ trình xóa bỏ chăn nuôi trong khu dân cư
Toàn tỉnh có hơn 156 nghìn cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại và nông hộ. Trong đó, hơn 154 nghìn cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư (chiếm 98%), hoạt động mang tính chất thời vụ, phát triển tự phát, khó áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến, an toàn dịch bệnh.
Lĩnh vực chăn nuôi tại Bắc Giang phát triển mạnh. Tuy vậy, hoạt động này diễn ra chủ yếu trong khu đô thị, khu dân cư làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan và chất lượng sản phẩm, khó quản lý, phòng ngừa dịch bệnh. Trong đó, nhiều cơ sở từng bị xử phạt ở mức cao như trang trại lợn của ông Trịnh Văn Thế, xã Quang Thịnh (Lạng Giang) 664 triệu đồng; Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động 500 triệu đồng; Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh (Hiệp Hòa) 108 triệu đồng...
Ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện quy định khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Mục đích nhằm điều chỉnh, định hướng phát triển chăn nuôi theo quy hoạch tỉnh, các quy hoạch liên quan và chiến lược phát triển của ngành; tiến tới ban hành quy định cấm chăn nuôi trong các khu dân cư, đặc biệt khu vực nội thành, khu dân cư tập trung, đáp ứng quy định của Luật Chăn nuôi.
Theo đó, các huyện, thành phố tập trung tuyên truyền về lợi ích của việc xóa bỏ chăn nuôi trong khu dân cư nói chung và khu vực nội thành, nội thị của thành phố, thị trấn và khu đông dân cư tập trung để người dân hiểu rõ và tự giác không chăn nuôi trong khu vực trên; đầu tư phát triển chăn nuôi tại các khu vực xa khu dân cư, phù hợp quy hoạch.
Việc di dời cơ sở chăn nuôi ra ngoài khu dân cư cần có lộ trình từng bước. Hiện nay, ngành chức năng, các địa phương đang tập trung rà soát hiện trạng đất đai, đưa vào quy hoạch quỹ đất để xác định vùng phát triển chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Đồng, hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn ở thôn Thanh Tân, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) đồng tình với chủ trương của tỉnh song đề nghị thực hiện từng bước để trang trại không tái đàn, tăng đàn, có thời gian xây dựng lại chuồng trại. Ông đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ để bù đắp một phần chi phí.
Nhiều chủ cơ sở chăn nuôi trước đây cũng cho biết đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị máy móc với kinh phí lớn. Để di dời rất cần có chính sách hỗ trợ nhằm giảm thiệt hại về kinh tế do phải ngừng sản xuất, chuyển đổi nghề, phá bỏ hoặc di dời chuồng trại. Qua đó, khuyến khích các cơ sở quy mô nhỏ lẻ chuyển sang ngành nghề khác hoặc đầu tư phát triển chăn nuôi hàng hóa, quy mô tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Về lâu dài, tỉnh cần sớm xem xét, ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi, thời gian thực hiện để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong toàn tỉnh. Trong khi chờ chính sách được ban hành, các địa phương tiếp tục phối hợp với ngành chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường.
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng - Mai Toan