Cần sớm điều chỉnh bất cập trong Luật Đất đai
Giữa các quy định pháp luật trong lĩnh vực đất đai hiện phát sinh một số vấn đề mâu thuẫn với nhau và với cả các luật có liên quan. Điều này gây khó khăn cho người dân khi thực hiện quyền và các cơ quan trong việc thực thi, áp dụng pháp luật khi giải quyết các vấn đề liên quan tới đất đai.
Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh chỉ rõ, Luật Đất đai năm 2013 có một số quy định trái với Bộ luật Dân sự năm 2015. Chẳng hạn, Luật Đất đai năm 2013 quy định, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất (QSDĐ) trồng lúa. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì cho phép vì QSDĐ trồng lúa cũng là tài sản nên cá nhân có quyền nhận, cho, tặng, thừa kế.
* Nhiều điểm mâu thuẫn
Cụ thể, Điều 609, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trong khi đó, Khoản 3, Điều 191, Luật Đất đai năm 2013 quy định, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ trồng lúa.
Luật sư Nguyễn Đức phân tích, rõ ràng nội dung trên trong 2 luật có sự đối nghịch, không đồng nhất, một bên cho và một bên cấm. Bộ luật Dân sự năm 2015 cho phép và khẳng định đó là quyền được Hiến pháp bảo hộ nên hộ gia đình, cá nhân dù không trực tiếp làm nông nghiệp thì vẫn được quyền nhận tặng cho QSDĐ trồng lúa. Còn nếu áp dụng Luật Đất đai thì dẫn tới việc khi cha mẹ có tài sản là đất trồng lúa mà con không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận tài sản này nếu được cha mẹ tặng cho, thừa kế. Quy định này của Luật Đất đai làm hạn chế, triệt tiêu quyền tặng cho, để lại di sản của cá nhân hoặc quyền được nhận tặng cho, thừa kế là QSDĐ trồng lúa từ người khác quả là bất cập nên cần sớm sửa đổi cho phù hợp.
Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, Khoản 2, Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 quy định, tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng QSDĐ trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Việc Luật Đất đai hạn chế quyền này ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu về sử dụng đất của các tổ chức kinh tế có điều kiện về tài chính, kỹ thuật, mong muốn được đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là nhu cầu chính đáng, phù hợp xu thế sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao nhưng hiện tại luật chưa cho phép. Do đó, cần chỉnh sửa lại cho phù hợp và sát thực tiễn.
* Thiếu sự đồng nhất giữa các văn bản luật
Hiện các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai năm 2013 còn có tình trạng cùng một nội dung nhưng lại quy định khác nhau.
Chẳng hạn, tại Khoản 2, Điều 77, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, quy định sau 30 ngày kể từ ngày niêm yết thông báo về việc mất giấy chứng nhận QSDĐ mới nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 10 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19-5-2014 của Bộ TN-MT quy định về hồ sơ địa chính quy định thời gian niêm yết là 15 ngày. Điều này gây khó khăn cho địa phương trong thực hiện các thủ tục đất đai cho người dân.
Bên cạnh đó, luật sư Cao Sơn Hà, Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 16, Luật Đất đai năm 2013 quy định, trường hợp Nhà nước quyết định việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai. Tuy nhiên, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 71 của luật này chỉ quy định, trường hợp cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư mà không quy định cưỡng chế đối với trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai. Do đó, thời gian tới khi sửa Luật Đất đai năm 2013, cần bổ sung thêm quy định này vào Điểm a, Khoản 2, Điều 71 của luật này để thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Ngoài ra, Khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai năm 2013 quy định, đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây: văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên; từ 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên (điểm a); Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10ha đất trồng lúa; dưới 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng (điểm b).
Luật sư Cao Sơn Hà phân tích, Luật Đất đai năm 2013 chỉ cho phép việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải có Nghị quyết của HĐND tỉnh, mà Nghị quyết HĐND tỉnh chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa dưới 10ha/dự án; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ dưới 20ha/dự án. Vấn đề bất cập ở đây là HĐND các tỉnh, thành có thể “lách luật” bằng cách ban hành nhiều nghị quyết cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong 1 năm, nhiệm kỳ với nhiều dự án trên một khu đất rộng hàng chục hoặc hàng trăm ha.
Việc xé nhỏ này sẽ thuận lợi hơn trong chuyển mục đích sử dụng đất với những dự án có diện tích từ 10ha/dự án trở lên đối với đất lúa và trên 20 ha/dự án đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, để lách quy định xin ý kiến và phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, đây cũng là điểm bất cập của Luật Đất đai cần chỉnh sửa theo hướng tăng quyền cho địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Khoản 2, Điều 129, Luật Đất đai năm 2013 quy định, hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi. Quy định như vậy là không phù hợp với bối cảnh hiện nay theo chủ trương xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, vùng chuyên canh cây công nghiệp.