Cần sớm định danh người bán hàng online
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết trong 9 tháng đầu năm 2024, ủy ban đã tiếp nhận 683 đơn thư khiếu nại liên quan đến thương mại điện tử
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Công điện số 119 yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử (TMĐT).
Theo đó, Bộ Công an sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho các sàn TMĐT. Mục tiêu là bảo đảm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đều được xác thực danh tính khi tham gia cung cấp, trao đổi hàng hóa trên các sàn TMĐT, tránh thất thu thuế và các hành vi gian lận.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết trong 9 tháng đầu năm 2024, ủy ban đã tiếp nhận 683 đơn thư khiếu nại liên quan đến TMĐT. Các vụ việc khiếu nại này đang có chiều hướng tăng đáng kể.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc chi nhánh miền Bắc của Công ty Yến sào Khánh Hòa, dẫn chứng việc công ty chưa bán sản phẩm yến sào trên các sàn TMĐT nhưng đã xuất hiện sản phẩm yến sào giả mạo bị bắt khi bán hàng trên kênh online. Để ngăn chặn hàng giả trên sàn TMĐT, ông Thắng cho rằng việc xác thực danh tính người bán hàng online là biện pháp cần thiết.
Ông Nguyễn Bình Minh, Trưởng Ban Phát triển nguồn lực thuộc Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cũng cho rằng cần định danh người bán hàng để trên cơ sở đó truy xuất nguồn gốc, truy trách nhiệm rõ ràng. Đồng tình với đề xuất này, đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết hiện nay, nhiều người bán hàng online sử dụng tài khoản và nhân thân ảo, mở nhiều gian hàng kinh doanh trên mạng, chia nhỏ đơn hàng nhằm trốn thuế; chưa kể, nhiều người livestream bán hàng doanh số "khủng" vẫn không phải nộp thuế. Việc định danh người bán hàng online sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TMĐT.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), khẳng định trong thời gian tới, Bộ Công Thương yêu cầu bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các website, ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT . Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đề xuất phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước về TMĐT cho các địa phương trong việc quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp trực tuyến trong hoạt động TMĐT.
Liên quan tới xác minh danh tính người mua hàng để tránh lộ thông tin cá nhân, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương), cho rằng việc sử dụng công nghệ, cụ thể là ứng dụng AI có thể phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận, cũng như giúp bảo mật thông tin người dùng trong giao dịch TMĐT.
AI cũng có thể giúp phát hiện hàng giả bằng cách phân tích và so sánh hình ảnh sản phẩm, mô tả và giá cả với dữ liệu của hàng hóa chính hãng. Quá trình này giúp bảo vệ thương hiệu và người tiêu dùng khỏi hàng giả, hàng nhái.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/can-som-dinh-danh-nguoi-ban-hang-online-196241207211230108.htm