Cần sớm đưa ra giải pháp 'nới lỏng' cho người đã tiêm vắc xin Covid-19

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, việc cân nhắc, tính toán cho người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin được phép đi lại, tham gia các hoạt động lao động, sản xuất là hết sức cần thiết.

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, về việc đi lại, hoạt động của người tiêm đủ 2 mũi vắc xin, hiện đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía Nam, đồng thời tiếp tục có khuyến cáo về bảo đảm phòng, chống dịch.

Lý do là những người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác, dù nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm cho người khác đã giảm.

Còn tại Hà Nội, thông tin tới báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thành phố đã đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì được phép đi lại, tham gia các hoạt động lao động, sản xuất, tham gia công tác phòng, chống dịch như thế nào.

Đây là vấn đề đang được dư luận, nhân dân trên địa bàn Thành phố quan tâm.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo đủ điều kiện về sức khỏe tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội). Ảnh: K.Chi

Bài liên quan

Hà Nội: Các công trình xây dựng tại vùng 2, 3 được phép tiếp tục thi công

Hà Nội đảm bảo năng lực tiêm chủng tuy nhiên vắc xin phải chờ được phân bổ

Hà Nội cấp giấy đi đường mới có mã QR code: Lãng phí, tốn thời gian, đi ngược xu hướng công nghệ

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, việc cân nhắc, tính toán cho người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin được phép đi lại, tham gia các hoạt động lao động, sản xuất là hết sức cần thiết. Quan trọng vẫn là ý thức và với nhóm người này cần phải có cơ chế ràng buộc, giám sát từ các cơ quan y tế, nơi ở và nơi làm việc, đồng thời phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo 5K.

Trao đổi với phóng viên Nhà báo và Công luận về vấn đề này, Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, nên cho người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin trở lại sản xuất, sinh hoạt bình thường tránh lãng phí lực lượng này.

“Tiêm vắc xin là để phục hồi lại sản xuất, quay trở lại cuộc sống bình thường, khi đã được tiêm vắc xin đủ 2 mũi, hầu hết đã được bảo vệ. Hiện nay nhiều nước trên thế giới cũng đã đã thực hiện. Chúng ta nên cấp cho họ thẻ tiêm chủng để quản lý. Họ có thể quay lại công việc như bình thường nhưng vẫn phải thực hiện đầy đủ 5K”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.

Đối với các trường hợp đã tiêm mũi 1 vắc xin, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng cần xem xét nghiên cứu cơ chế cho họ được quay trở lại sản xuất trong các khu vực nhất định.

“Người đã tiêm hết mũi 1 vắc xin trong khu vực có toàn bộ những người tiêm mũi 1 rồi thì có thể làm việc với nhau trong một khu vực nhất định, và áp dụng các biện pháp tại chỗ hoặc cho họ đi về theo cung đường riêng của họ, và nếu họ đi về nhà thì phải tuyệt đối cách ly với người nhà”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga phân tích thêm, đối với người đã tiêm đầy đủ 2 mũi tiêm sau 14 ngày về cơ bản là họ an toàn, hiệu quả bảo vệ của vắc xin là từ 70 - 90% tùy theo loại vắc xin, họ được bảo vệ và họ có thể di chuyển, đi lại được. Đối với người tiêm mũi 1, mới đảm bảo bảo vệ 40 - 50%, chưa đảm bảo an toàn, về khả năng bị nhiễm bệnh còn cao.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga. Ảnh: TL

Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga cho rằng, đối với người tiêm hay chưa tiêm bắt buộc đều phải thực hiện 5K thật tốt, cơ bản là về khẩu trang và giãn cách, sát khuẩn... Giãn cách trên 2m, giãn cách cá nhân còn quan trọng hơn giãn cách của Thành phố. Thành phố phân vùng là giãn cách của thành phố, nhưng cá nhân không giãn cách thì vẫn lây lan như thường, cho nên ở Châu Âu họ chú trọng giãn cách cá nhân hơn khu vực.

"Dù những người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn phải thực hiện đảm bảo giãn cách, vì họ tiêm rồi nhưng trong nhà còn người già, trẻ nhỏ và những người khác chưa tiêm, nếu họ đi ra ngoài về vẫn phải thực hiện giãn cách để bảo vệ người trong nhà. Thậm chí họ cũng phải cách ly riêng", Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga chia sẻ.

Còn PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, việc tiêm vắc xin là tiền đề tốt, nhưng vắc xin không thể ngăn cản việc không mắc bệnh, mà khi mắc sẽ giảm mức độ nặng, cho nên sau khi tiêm vắc xin vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng, chống lây nhiễm.

"Theo nghiên cứu mới nhất của CDC Hoa Kỳ công bố, đối với người tiêm vắc xin bị nhiễm bệnh, vi rút sẽ nhân lên và có khả năng lây cho người khác cũng giống như người chưa tiêm vắc xin, chỉ khác khi nhiễm bệnh người nhiễm sẽ nhẹ, không triệu chứng và ít khi chuyển nặng. Nó chỉ bảo vệ cho bản thân là chính, nên người tiêm vắc xin rồi vẫn phải giữ gìn, và nếu nới lỏng thì vẫn phải thực hiện 5K không thể khác được", PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, về việc nới lỏng kể cả khi chưa tiêm hết vẫn có thể nới lỏng, bởi cái quan trọng nhất là thực hiện 5T và 5K. Còn đối với vắc xin khi chúng ta tiêm được để đảm bảo an toàn cho mọi người thì đương nhiên sẽ trở lại cuộc sống bình thường.

Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng, hiện nay chúng ta hướng tới câu chuyện bình thường mới, nhưng phải trong tâm thế phòng chống dịch, vì vậy phải có biện pháp để nới lỏng sinh hoạt xã hội và phục vụ cho phát triển sản xuất, còn nếu không chúng ta cứ khắt khe, thậm chí là sử dụng biện pháp cực đoan sẽ dẫn đến thiệt hại chung và mang lại rủi ro lớn hơn.

Chúng ta cần lên các kịch bản làm sao để đảm bảo người dân được di chuyển bình thường trong trạng thái mới để có thể đảm bảo nhiều mục tiêu.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-som-dua-ra-giai-phap-noi-long-cho-nguoi-da-tiem-vac-xin-covid-19-post154721.html