Cần sớm giải quyết tình trạng người dân thiếu đất sản xuất
Thanh Hóa hiện có 10 công ty nông, lâm nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại đất khác. Đáng lưu ý, nhiều năm qua, các nông, lâm trường được giao sử dụng diện tích đất đai rất lớn nhưng nhiều đơn vị lại quản lý không hiệu quả hoặc chuyển nhượng sai quy định. Trong khi đó, người dân lại thiếu đất ở và đất sản xuất ngay tại các thôn, bản có diện tích đất nông, lâm nghiệp do các công ty này quản lý.
Tại huyện miền núi Lang Chánh, Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh được Nhà nước giao quản lý, sử dụng tổng số diện tích đất là 3.909 ha. Do không có đất ở và đất sản xuất, nhiều hộ dân đã phải sống và canh tác nhờ trên diện tích đất được giao khoán của công ty này. Có hộ dân sinh sống nhiều năm ở khu vực này nhưng luôn trong tình trạng đói, nghèo.
Ông Nguyễn Xuân Cao (thôn Viên, xã Giao An, huyện Lang Chánh) cho biết: Từ năm 2012, gia đình ông sinh sống và sản xuất trên diện tích 0,6 ha đất của Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh. Do đất canh tác ít nên gia đình rất khó khăn trong phát triển kinh tế.
Tương tự, ông Cao Văn Sơn (xã Giao An, huyện Lang Chánh) cho hay, hoàn cảnh khó khăn và không có đất ở cũng như đất sản xuất nên thu nhập của gia đình ông mỗi năm chỉ được vài triệu đồng. “Thời gian tới, mong Nhà nước sớm có giải pháp cấp đất ở và đất sản xuất cho gia đình cũng như các hộ dân quanh vùng”, ông Nguyễn Xuân Cao chia sẻ.
Trước kiến nghị của người dân, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 5186/QĐ-UBND thu hồi 458,4 ha đất của Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh, bàn giao về cho địa phương quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, tới nay người dân vẫn chưa được cấp đất sản xuất.
Ông Lê Minh Cường - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh khẳng định: “Vào năm 2021, đơn vị có chuyển giao nhiều diện tích đất về địa phương theo quyết định của UBND tỉnh, đến nay vẫn chưa bàn giao do chưa có kinh phí đo đạc, cắm mốc. Vấn đề này, đơn vị cũng đề nghị các sở, ngành, UBND tỉnh Thanh Hóa quan tâm, cấp kinh phí cắm mốc, để chúng tôi chuyển giao diện tích UBND tỉnh thu hồi cho UBND huyện Lang Chánh quản lý”.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Viết Thắng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lang Chánh cho biết: Hiện nay, huyện có 540 hộ thiếu đất sản xuất, hơn 700 hộ dân có đất sản xuất dưới hạn mức. Trước tình trạng này, UBND huyện đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa rà soát các diện tích đang giao khoán cho các hộ gia đình của Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh. Tuy nhiên, do không có kinh phí trích đo, lập hồ sơ sử dụng đất nên việc này chưa thể triển khai. UBND huyện Lang Chánh đã báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kinh phí thực hiện.
Tương tự, tại xã Thạch Bình, huyện miền núi Thạch Thành, vào năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chủ trương đầu tư Cụm công nghiệp Thạch Bình với diện tích sử dụng đất trên khoảng 68 ha. Cụm công nghiệp này có nhiều ngành nghề hoạt động là sản xuất ô tô, máy điện tử, cơ khí… do Công ty Trách nhiệm hữu hạn FDI Thạch Bình làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, vị trí này đang là đất nông trường của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao su Thanh Hóa nên UBND huyện Thạch Thành đã kiến nghị giao đất và UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị giao đất. Thế nhưng tới nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao su Thanh Hóa vẫn chưa bàn giao đất về cho địa phương quản lý do vướng mắc thủ tục với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Minh Phi, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn FDI Thạch Bình, huyện Thạch Thành: “Về phía chủ đầu tư, chúng tôi đã hoàn tất các thủ tục. Tuy nhiên, Tập đoàn Cao su Việt Nam chưa đồng ý bàn giao các diện tích đất do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao su Thanh Hóa quản lý, khiến dự án chưa thể tiếp tục triển khai. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm có giải pháp bàn giao đất để chúng tôi sớm thực hiện tiếp công trình”.
Tháng 10/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi Tập đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam sớm quan tâm, thống nhất chủ trương, chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao su Thanh Hóa bàn giao hơn 68 ha đất cho địa phương quản lý. Đây là sơ sở để triển khai dự án Cụm công nghiệp Thạch Bình, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, ngoài các công ty nông, lâm nghiệp, còn 8 Ban quản lý rừng phòng hộ, 3 khu bảo tồn, 1 vườn quốc gia, đang sử dụng gần 200.000 ha đất. Tại các thôn, bản vùng đệm, vũng lõi của các khu bảo tồn, vườn quốc gia đã xuất hiện tình trạng người dân thiếu đất sản xuất, cuộc sống đói nghèo. Vì vậy, tỉnh cần sớm có giải pháp để bàn giao đất cho địa phương quản lý, hoặc bố trí đất sản xuất mới cho các hộ dân, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.