Cần sớm hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu hủy do bệnh tả châu Phi

Có lợn chết, nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy, nhiều hộ dân đang rất băn khoăn, lo lắng bởi không biết bao giờ có thể tái đàn. Không chỉ vậy, nhiều hộ còn phải gánh thêm những khoản nợ vì đã vay vốn ngân hàng để đầu tư chăn nuôi. Đến nay, nhiều gia đình có lợn phải tiêu hủy vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, cuộc sống gặp không ít khó khăn.

Sau gần 1 tháng xuất hiện, bệnh tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi của tỉnh. Tính đến ngày 8/6, bệnh tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 556 hộ thuộc 133 thôn, tổ dân phố của 40 xã, phường trên địa bàn 9 huyện, thành phố. Dịch bệnh khiến 5.066 con lợn ốm chết và lợn cùng đàn phải tiêu hủy với tổng trọng lượng hơn 200 tấn.

Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh tả lợn châu Phi.

Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh tả lợn châu Phi.

Bảo Thắng là địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện hỗ trợ thiệt hại cho các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, UBND huyện quyết định sử dụng ngân sách dự phòng của huyện để hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch với số tiền gần 355 triệu đồng. Trong đợt hỗ trợ đầu tiên, UBND huyện Bảo Thắng hỗ trợ 9 hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Xuân Quang, xã Phong Niên và thị trấn Nông trường Phong Hải có lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi phải tiêu hủy. Tổng số lợn phải tiêu hủy được hỗ trợ trong đợt 1 là 219 con (xã Phong Niên có 9 con lợn, xã Xuân Quang 59 con, thị trấn Nông trường Phong Hải 151 con), tổng trọng lượng hơn 11 tấn. Huyện Bảo Thắng sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tiêu hủy lợn và sớm hỗ trợ các hộ có lợn bị tiêu hủy trong thời gian sớm nhất.

Gia đình bà Trần Thị Luật (thôn Na Ó, xã Xuân Quang) có 19 con lợn bị mắc bệnh tả lợn châu Phi phải tiêu hủy với trọng lượng 1,3 tấn, thiệt hại gần 60 triệu đồng. Nhận được tiền hỗ trợ trong đợt 1, bà Luật cho biết khoản hỗ trợ này đã giúp gia đình vượt qua khó khăn trước mắt và yên tâm, ổn định tinh thần, bớt một phần lo lắng về sinh kế sau này.

Tuy nhiên, tính đến nay chỉ có huyện Bảo Thắng đã hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy. Nhiều hộ dân có lợn bị tiêu hủy nói riêng và người chăn nuôi sống trong vùng dịch nói chung đều lo lắng chưa nhận được các khoản hỗ trợ sau khi tiêu hủy.

Tại huyện Mường Khương, tính đến ngày 8/6, dịch tả lợn Châu Phi đã khiến 1.413 con lợn của 192 hộ tại 36 thôn thuộc 4 xã Bản Lầu, Bản Xen, Lùng Vai và Cao Sơn nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng hơn 75 tấn. Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (thôn Na Lin, xã Bản Lầu) là một trong những hộ đầu tiên phát hiện lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Một con lợn nái, 2 con lợn đực giống và 11 lợn giống vừa gây đều có biểu hiện của bệnh nên buộc phải tiêu hủy. Chị Thanh chia sẻ: “Với người dân Bản Lầu, trồng dứa và nuôi lợn là những nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định từ nhiều năm trước. Năm nay, dứa được mùa nhưng mất giá, lợn lại mắc bệnh đẩy nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Tôi mong sớm có các khoản hỗ trợ để người dân có thể chăn nuôi trở lại khi hết dịch”.

Ông Đinh Trọng Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Lợn bị tiêu hủy được lập hồ sơ, danh sách các hộ với số lượng, chủng loại và niêm yết công khai tại nhà văn hóa các thôn có dịch để người dân theo dõi, giám sát, đảm bảo đúng đối tượng. Sau 15 ngày thông báo, chính quyền các xã có dịch hoàn thiện hồ sơ để huyện sử dụng nguồn kinh phí dự phòng hỗ trợ cho người chăn nuôi theo từng đợt. Trong trường hợp kinh phí dự phòng của huyện không đủ để hỗ trợ, huyện sẽ xin thêm kinh phí từ tỉnh để người dân có thể yên tâm tái đầu tư phát triển kinh tế.

Tương tự như huyện Mường Khương, các địa phương khác cũng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tiêu hủy lợn mắc bệnh tả châu Phi để có thể sớm hỗ trợ cho người chăn nuôi. Việc hỗ trợ kịp thời sẽ góp phần chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, đồng thời tạo tâm lý yên tâm cho các hộ dân, tránh việc giấu dịch, tiêu thụ, phát tán lợn nhiễm bệnh. Theo khuyến cáo của ngành chăn nuôi, do bệnh đang bùng phát phức tạp nên trước tiên, các địa phương tạm thời dừng việc tái đàn, chờ khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định mới cho tái đàn trở lại, đồng thời tuyên truyền tới người dân những kiến thức về phòng, chống bệnh tả lợn châu Phi.

Bệnh tả lợn châu Phi đang lây lan nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của người chăn nuôi. Chính vì vậy, mong muốn sớm nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước là tâm lý chung của những người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy do bệnh tả lợn châu Phi.

Thúy Phượng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/can-som-ho-tro-nguoi-dan-co-lon-bi-tieu-huy-do-benh-ta-chau-phi-z3n20190614085641709.htm