Cần sớm khắc phục điểm đen ùn tắc và tai nạn trên cầu Thanh Trì

Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông vừa đề xuất Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho phép lập dự án: 'Điều chỉnh tổ chức giao thông để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên cầu Thanh Trì'. Điều đáng nói, từ sau khi cầu Thanh Trì trở nên quá tải, dường như nhiều giải pháp chống ùn tắc đã được áp dụng, song hiệu quả chưa cao…

Hơn 124 nghìn xe qua cầu trong một ngày đêm

Cầu Thanh Trì chính thức được thông xe và đưa vào sử dụng từ năm 2007. Tại thời điểm đó, đây là cây cầu lớn nhất trong dự án 7 cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng, nối quận Hoàng Mai với quận Long Biên, bắt đầu từ điểm cắt quốc lộ 1A tại Pháp Vân (Hoàng Mai), cắt đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại Thạch Bàn, Long Biên, điểm cuối cắt quốc lộ 5 tại Sài Đồng (Long Biên).

Cầu Thanh Trì có trọng tải H30 - XB80, xe tải bánh lốp có tải trọng dưới 30 tấn, cũng như xe bánh xích có tải trọng dưới là 80 tấn thì đạt điều kiện về tải trọng để qua cầu. Cầu chính dài 5.084m với tổng chiều dài hơn 12.000m, rộng 33,10m với 6 làn xe chạy (4 làn xe cao tốc), tốc độ cho phép 100km/h (tính thời điểm thông xe). Đây là cây cầu cũng được kỳ vọng góp phần cơ bản giải quyết ách tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội.

Phương tiện lưu thông qua cầu Thanh Trì gặp cảnh ùn ứ.

Phương tiện lưu thông qua cầu Thanh Trì gặp cảnh ùn ứ.

Thế nhưng, sau gần 15 năm hoạt động, giờ đây việc lưu thông qua cầu vào giờ cao điểm khiến không ít tài xế ngán ngẩm vì tình trạng ùn tắc trên cầu. Nếu như trước kia, lưu lượng xe qua cầu theo thiết kế là khoảng 15.000 xe/ngày/đêm, thì nay, theo số liệu đếm xe mới nhất do Xí nghiệp quản lý cầu Thanh Trì thuộc Công ty cổ phần Công trình giao thông Hà Nội thực hiện, trong tháng 3/2021, lưu lượng xe qua cầu là 124.390 xe/ngày đêm (quá tải gấp 8 lần so với năng lực thiết kế). Trong đó, giờ cao điểm sáng (6h - 9h) là gần 8.000 xe/giờ; giờ cao điểm chiều (16h - 19h) là hơn 7.000 xe/giờ. Chưa dừng lại, cầu cũng được đánh giá là cầu có số vụ tai nạn chết người cao nhất Hà Nội. Riêng từ năm 2018 đến 2020, theo số liệu của Cục CSGT, Bộ Công an, số vụ tai nạn trên cầu là 33 vụ, số người chết là 8 - tăng 62% so với 2 năm trước đó.

Ngoài lượng phương tiện tăng cao, Cục CSGT cho rằng, phương án tổ chức giao thông đang có nhiều bất cập. Cụ thể, lượng xe ôtô hiện nay trên cầu khá đông, nhưng chỉ được chia có 2 làn xe/chiều, trong khi đó ở làn xe dành cho môtô-xe máy (bên trái) cũng rộng gần bằng 2 làn ôtô nhưng ít xe lưu thông. Việc này đã dẫn đến, thời gian qua giờ cao điểm lưu lượng xe ôtô đi qua cầu gần như không còn chỗ trống, ùn tắc kéo dài, có hôm đã xảy ra va chạm trong làn xe dành cho cho cả ôtô, xe máy, dẫn đến ôtô mất lái lao vào dải phân cách hoặc lao ra khỏi thành cầu, rơi xuống bên dưới…

Cần giải pháp tổ chức lại giao thông hiệu quả và tránh lãng phí

Đề cập đến giải pháp giải quyết hiệu quả ùn tắc, TNGT cho cầu Thanh Trì, phía Cục CSGT, Bộ Công an từng đưa ra phương án, trước mắt Sở GTVT nên thu hẹp làn xe hai bánh từ 7 mét mặt cắt ngang xuống còn 3 mét để mở thêm một làn ôtô, sau đó tách ôtô ra khỏi làn xe máy. Việc này giúp tránh xung đột, va chạm dẫn đến TNGT trên cầu Thanh Trì. Về lâu dài, cần phải đẩy nhanh tiến độ các dự án đường vành đai, trong đó có 4 cây cầu bắc qua sông Hồng đoạn qua Hà Nội để giảm tải lưu lượng xe cho cầu Thanh Trì.

Về phương án điều chỉnh, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đề xuất bố trí 4 làn xe chạy theo mỗi chiều trên cầu, gồm 3 làn xe ôtô với chiều rộng mỗi làn là 3,75m để tăng khả năng thông hành cho làn xe ôtô và 1 làn dành riêng cho xe môtô, xe máy với chiều rộng 2,5m (được phân cách với làn xe ôtô bằng dải phân cách mềm, có thể cho xe cứu hộ giao thông hoạt động khi làn xe ôtô có va chạm hoặc xe ôtô bị hư hỏng gây ùn tắc giao thông).

Cùng với đó sẽ lắp đặt các thiết bị cảnh bảo, bảo đảm an toàn giao thông mới để tăng tính cảnh báo, giảm thiểu thương tích do người và thiệt hại của các phương tiện lưu thông qua cầu khi có va chạm xảy ra. Ngoài ra, Ban này cũng kiến nghị UBND thành phố Hà Nội đẩy nhanh việc triển khai các dự án cầu vượt sông Hồng theo quy hoạch để giảm tải lưu lượng phương tiện lưu thông qua cầu Thanh Trì trước năm 2025; kiến nghị Sở Xây dựng tăng cường công tác duy tu, hệ thống chiếu sáng trên cầu; Công an thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Trước đó, trước tình trạng ùn tắc và TNGT diễn biến phức tạp, từ ngày 16/3/2021, Sở GTVT Hà Nội đã quyết định điều chỉnh tốc độ khai thác làn ôtô trên cầu Thanh Trì từ 80km/h xuống 60km/h; giữ nguyên tốc độ khai thác làn xe hỗn hợp 50km/h. Tuy vậy, ghi nhận cho thấy, trong hai khung giờ cao điểm trong ngày, việc lưu thông qua cầu Thanh Trì vẫn rất khó khăn, tình trạng ùn ứ vẫn xảy ra.

Trong giai đoạn từ 2015 đến 2030, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để thành phố Hà Nội và Bộ GTVT xây dựng thêm 3 tuyến đường vành đai để giảm tải lưu lượng xe cho khu vực nội thành Hà Nội. Các tuyến đường Vành đai này bao gồm: Vành đai 3,5; Vành đai 4; Vành đai 5.

Cùng với xây đường, 3 dự án đường vành đai này còn có 3 cây cầu bắc qua sông Hồng ở phía Nam cầu Thanh Trì, gồm: cầu Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu Mễ Sở (Vành đai 4), cầu Thái Hà (Vành đai 5). Ngoài ra trong giai đoạn từ 2015 đến 2020, thành phố Hà Nội còn được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xây dựng thêm 2 cầu bắc qua sông Hồng trong khu vực nội đô, gồm cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo.

Đặng Nhật

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/can-som-khac-phuc-diem-den-un-tac-va-tai-nan-tren-cau-thanh-tri-635319/