Cần sớm khắc phục sai phạm tại dự án trường đua ngựa Thiên Mã – Madagui
Sau khi các bộ, ngành Trung ương vào cuộc, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành các chỉ đạo nhằm xử lý sai phạm tại dự án trường đua ngựa Thiên Mã – Madagui tại xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai.
Tuy nhiên dư luận vẫn đang băn khoăn về trách nhiệm của nhiều quan chức tỉnh Lâm Đồng khi ban hành các văn bản có dấu hiệu vượt thẩm quyền, có dấu hiệu buông lỏng quản lý nhà nước đối với dự án này.
Vượt thẩm quyền?
Đầu năm 2011, ông Nguyễn Ngọc Mỹ (là doanh nhân có quốc tịch Úc), với tư cách Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hồng Lam Madagui đã xin được đầu tư dự án trường đua ngựa Madagui kết hợp sân golf, có quy mô sử dụng hơn 63ha đất, với vốn đầu tư hơn 298 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày 29/1/2011, ông Trương Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký Giấy chứng nhận đầu tư số 421210000731 cho Công ty TNHH Hồng Lam Madagui. Tiếp đó, ngày 18/10/2011, ông Trương Văn Thu đã ký Văn bản số 5672/UBND-TH thống nhất chủ trương cho Công ty CP giải trí Thiên Mã hợp tác với Công ty TNHH Hồng Lam Madagui để thành lập Công ty CP đua ngựa Thiên Mã – Madagui.
Gần 2 năm sau đó, ngày 21/3/2013, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Công ty CP đua ngựa Thiên Mã – Madagui tăng vốn đầu tư lên hơn 1.000 tỷ đồng.
Điều bất thường là, dù chủ đầu tư không thực hiện thủ tục chuyển đổi đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm sang đất thương mại dịch vụ, đất chuyên dùng nhưng lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn dễ dàng chấp thuận điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 4. Đó là ngày 25/4/2014, ông Đoàn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh với nội dung xác định từng hạng mục với diện tích cụ thể, như: nhà nuôi ngựa, đường đua, ... trong khi diện tích đất trên thực địa vẫn là đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp.
Những ưu ái này đã được chủ đầu tư tận dụng để tổ chức 9 kỳ đua ngựa trong khi chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Đây là điều đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập đến vào tháng 4/2018 khi trả lời Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng về việc chủ đầu tư xin bổ sung hoạt động cá cược đua ngựa. Bởi: “Theo quy định điểm đ, khoản 1, Điều 31 của Luật Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án không phân biệt nguồn vốn có hoạt động kinh doanh đặt cược”.
Một điều bất thường khác là dù đã 4 lần được điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, nhiều hạng mục đã xây dựng, đã tổ chức đụa ngựa, ... nhưng phải đến ngày 27/4/2020, HĐND tỉnh Lâm Đồng mới có Nghị quyết số 169/NQ-HĐND, bổ sung dự án này vào danh mục các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư thời kỳ 2011-2020 của tỉnh Lâm Đồng.
Một vấn đề khác cũng được dư luận quan tâm là ngày 30/3/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 103/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đối với dự án này là, UBND tỉnh Lâm Đồng chịu trách nhiệm đối với các nội dung quy định tại các giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đã cấp.
Báo cáo hàng loạt sai phạm
Trong khi các bộ, ngành đang cùng UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án trường đua ngựa Thiên Mã – Madagui, thì bất ngờ ngày 28/8/2023, UBND huyện Đạ Huoai đã có Văn bản số 361/BC-UBND báo cáo về sai phạm của chủ đầu tư.
Đó là, chủ đầu tư đã xây dựng 16 công trình trên khu đất của dự án, trong đó có 13 công trình phù hợp quy hoạch được duyệt, 3 công trình không phù hợp nên UBND huyện Đạ Huoai đã ban hành quyết định xử phạt chủ đầu tư 80 triệu đồng
Nhận định về sự việc này, ông Võ Văn Đồng, nguyên Cục trưởng Cục III – Thanh tra Chính phủ cho rằng vấn đề cần phải làm rõ là lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng có đủ thẩm quyền ký các giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án trường đua ngựa Thiên Mã – Madagui hay đây là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, tại sao đây là dự án được triển khai trên đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp với 193 hộ gia đình bị thu hồi đất từ năm 2008, sau đó chủ đầu tư đã cho xây dựng nhiều hạng mục công trình nuôi ngựa, đua ngựa, ... nhưng mãi đến tháng 4/2020 thì mới được HĐND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận đưa vào danh mục các dự án đầu tư. Điều này có dấu hiệu là UBND tỉnh Lâm Đồng và chủ đầu tư đã làm trái quy định pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, theo ông Võ Văn Đồng thì đến thời điểm này chưa thấy văn bản nào của UBND tỉnh Lâm Đồng xác định là chủ đầu tư đã hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cũng như nghĩa vụ tài chính về đất đai, trách nhiệm ký quỹ đầu tư. Đây là các vấn đề cũng cần được các bộ, ngành làm rõ trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, vì theo thông tin được chủ đầu tư công bố thì số vốn đầu tư sẽ tăng lên 1.548 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư khoảng 285 tỉ đồng, vốn vay tín dụng ngân hàng 1.283 tỉ đồng.
Thông tin mới nhất liên quan đến sự việc này đã thể hiện tại Văn bản số 7890/UBND-VX do ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký với nội dung giao các sở, ngành kiểm tra lại hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án và kết quả khắc phục sai phạm của chủ đầu tư.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục phản ánh về sự việc này