Cần sớm lập lại trật tự chợ Đắk Ơ
Chợ Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập thành lập gần 26 năm. Đến nay, khu vực nhà lồng đã xuống cấp, diện tích chợ chật hẹp không đủ chỗ cho các hộ tiểu thương kinh doanh buôn bán. Việc bố trí, sắp xếp các quầy hàng kinh doanh cũng chưa hợp lý, rất dễ xảy ra cháy, nổ. Trong tháng 5-2022, xã vận động các hộ tiểu thương tháo dỡ, di dời công trình trên đất tại khu vực sân chợ, trả lại mặt bằng cho UBND xã bố trí sắp xếp lại các quầy hàng, tạo khu vực thông thoáng trước mặt chợ. Tuy nhiên đến nay, giữa chính quyền địa phương và các hộ tiểu thương vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Trong thừa, ngoài thiếu
Chị Lê Thị Thanh Chung kinh doanh cá và rau củ ở chợ Đắk Ơ đã 7 năm. Vì không thể đăng ký lô sạp bên trong chợ nên hơn 3 năm nay, chị phải thuê mặt bằng buôn bán dọc quốc lộ 14C. Tiền thuê mỗi tháng 6 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với các hộ tiểu thương thuê lô sạp bên trong chợ. Do phải trả tiền thuê mặt bằng cao nên lời chẳng được bao nhiêu, vì vậy chị rất muốn có một lô sạp bên trong chợ để giảm chi phí thuê mặt bằng. Tuy nhiên, khi đăng ký với UBND xã thì chị được thông báo, các vị trí đã có chủ. Nguyên nhân là do một số người đã đăng ký tên trong danh sách thuê mặt bằng ở chợ. Sau khi “đặt gạch” giữ chỗ, họ tiếp tục sang nhượng cho người khác nên giá mỗi lô sạp đội lên khoảng 200 triệu đồng. Chị Chung nói: “Tôi lên xã đăng ký thì họ bảo là hết chỗ rồi. Tôi ra đây bán thì họ lại đuổi tại sao lại không vào trong kia. Cách đây mấy hôm, có người chỉ tôi vào trong chợ sang lô của chị Thương. Sau đó, tôi nghe nói chị Thương sang lại cho chị Tấn bán rau trong chợ. Một lô chỉ vài mét vuông, nhưng họ ra giá 200 triệu đồng và trả giá 170 triệu đồng mới có mặt bằng. Với mức giá cao như vậy, tôi không đủ khả năng để vào trong chợ bán”.
Điều bất cập là người muốn vào bán trong chợ không được, nhưng người muốn bán dọc đường thì cũng không ít. Chị Đàm Thị Xuân hiện đang bán thịt heo dọc quốc lộ 14C. Có nhiều lý do để chị không vào bán trong chợ. Đó là vào trong phải sang nhượng chỗ ngồi với giá cao, trong khi bán ngoài đường thuận tiện. Khách thường tranh thủ dừng xe mua thực phẩm dọc đường vào sáng sớm. Bán trong chợ ế ẩm hơn bên ngoài. Nếu có chỗ trong chợ, chị Xuân cho biết cũng không muốn vào.
Trong thời gian giãn cách xã hội năm 2021, chợ Đắk Ơ phải đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian này, nhiều hộ tiểu thương bên trong đã ra ngoài thuê mặt bằng để thuận tiện cho việc buôn bán. Ban đầu chỉ có vài người, dần dần nhiều người cùng ra mặt tiền. Đây là lý do khiến đoạn quốc lộ 14C trước mặt chợ Đắk Ơ thường xuyên bị lấn chiếm. Người mua, kẻ bán đông đúc, có khi tràn xuống lòng đường, gây mất an toàn giao thông, nhất là vào sáng sớm. Nhiều lần chính quyền ra quân dẹp nạn buôn bán tự phát, lập lại trật tự an toàn giao thông nhưng rồi đâu lại vào đó. Trước đây, mặt hàng thịt, cá được sắp xếp kinh doanh ở cuối chợ, thì nay cũng được bán dọc đường. Do xung quanh chợ chưa có hệ thống cống thoát nước nên nước thải thường xuyên ứ đọng gây ô nhiễm môi trường.
Chị Lê Thị Thanh Thảo, tiểu thương bán trái cây ở lề đường nói: “Xã cứ bắt tụi tôi vào bên trong chợ bán, còn người ở địa phương khác đến đứng bán trước mặt chợ thì làm sao chúng tôi buôn bán. Trong khi, những người có nhà ở mặt tiền cho thuê mặt bằng, mạnh ai nấy bán, hàng rau, thịt, cá, giết gà, bán chó, mèo ngay lòng lề đường rất mất vệ sinh. Họ bán được thì tụi tôi cũng phải ra mặt đường bán để kiếm cơm chứ!”.
Chợ Đắk Ơ xây dựng từ năm 1996 với diện tích gần 3.000m2. Hiện nay, có gần 60 hộ tiểu thương đăng ký kinh doanh, chưa tính những người bán hàng rong phía trước sân chợ. Tuy nhiên, nhiều lô sạp ở khu vực bán thịt, cá và giữa nhà lồng chợ bị bỏ trống, do nhiều người tự ý ra bán bên ngoài. Hiện nhiều hạng mục trong chợ đã xuống cấp. Lối đi chật hẹp, mái che lụp xụp, chứa nhiều vật dụng dễ cháy, đường dây điện chằng chịt, không có hệ thống báo cháy, chữa cháy. Một số hộ tiểu thương cho rằng, chợ cần được sắp xếp, cải tạo, không để xảy ra tình trạng kinh doanh tự phát bên ngoài. Chị Nguyễn Thị Phượng, tiểu thương bán thịt heo trong nhà lồng chợ nói: “Bên trong nhiều lô sạp bỏ trống. Họ ra bán ngoài đường vừa mất vệ sinh vừa gây ảnh hưởng trật tự giao thông. Tụi tôi ngồi bên trong không bán được cũng phải ngồi. Người ta đã sai, mình bắt chước người ta ra đó đâu có được. Tôi chỉ mong xã làm sao sắp xếp lại chợ như hồi trước, hàng nào ra hàng đó, phải sửa lại cho đâu ra đó”.
Kiên quyết lập lại trật tự, mở rộng chợ
Thời gian qua, chính quyền đã vận động các hộ tiểu thương vào buôn bán trong chợ, nhưng chưa thành công. Trước tết Nguyên đán Nhâm Dần, xã Đắk Ơ thông báo sắp xếp lại những hộ tiểu thương thuê mặt bằng kinh doanh tại khu vực sân chợ; xác minh lại diện tích thực tế các hộ đang thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ. Đo đạc phân lô phần diện tích nhà lồng chợ để sắp xếp lại các hộ đang kinh doanh. Các hộ tiểu thương phải đăng ký lô sạp với UBND xã nếu có nhu cầu tiếp tục kinh doanh. Thời gian tiến hành đăng ký, bốc thăm lô sạp trong tháng 12-2021. Tuy nhiên, do các hộ tiểu thương chưa thống nhất nên việc sắp xếp tạm hoãn đến nay. Hầu hết các hộ tiểu thương đang kinh doanh ở khu vực sân chợ và mặt tiền bên ngoài đều không đồng tình vì diện tích mỗi lô sạp trong nhà lồng chợ rất chật hẹp, chỉ 4m2 không đủ buôn bán. Chị Phạm Thị Duyên kinh doanh quần áo ở mặt tiền. Hằng năm, chị ký hợp đồng thuê lô sạp với UBND xã Đắk Ơ. Quầy hàng có diện tích hơn 10m2, ở gần đường thuận tiện kinh doanh buôn bán. Trước đây, chị đã đầu tư không ít tiền để xây dựng ki-ốt nên không muốn tháo dỡ di dời vào trong nhà lồng chợ. Đến nay, chị vẫn chưa đăng ký thuê lô sạp với UBND xã như đã thông báo.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Hóa, Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ cho hay: “Xã cho các tiểu thương thuê mặt bằng để kinh doanh, tạo sinh kế cho gia đình chứ không phải để bán cho người khác. Về việc này, tôi sẽ cho lực lượng công an điều tra, rà soát những hộ không có nhu cầu mà đăng ký “giữ chỗ” để sang nhượng. Xã sẽ cương quyết thu hồi mặt bằng đối với những trường hợp này. Tôi cũng đã nắm bắt được thông tin các lô sạp ở khu vực sân chợ được sang nhượng lên tới vài trăm triệu đồng. Do họ đã bỏ tiền ra mua mặt bằng nên giờ một số người chống đối khi được sắp xếp vào trong. Tới đây địa phương sẽ làm mạnh vấn đề này để lập lại kỷ cương”.
Từ thực tế nêu trên, xã Đắk Ơ đã có chủ trương mở rộng khu vực kinh doanh buôn bán nhằm giảm áp lực cho chợ truyền thống. Cụ thể, xã đã kiến nghị huyện cho phép quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại kết hợp nhà phố ở khu đất đối diện chợ. Cùng với đó, chợ Đắk Ơ sẽ được nâng cấp cải tạo, xây dựng lại hệ thống mương thoát nước nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Dự kiến công trình sẽ thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Trước mắt, xã sẽ rà soát, sắp xếp lại những hộ kinh doanh ở khu vực sân chợ. Đối với những tiểu thương đã đăng ký thuê lô sạp nhưng nay bỏ trống, xã sẽ thu hồi mặt bằng để tạo sinh kế cho người khác, trên nguyên tắc đảm bảo công bằng, người đến trước được cho thuê trước.
Ông Nguyễn Minh Hóa, Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ
Hiện nay, chợ vẫn chưa có bãi trông giữ xe. Khách mua hàng phải đi xe máy vào trong chợ rất bất tiện. Vì vậy, việc sắp xếp lại khu vực sân chợ nhằm tạo cảnh quan thông thoáng, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, quy hoạch bãi giữ xe là rất cần thiết. Để triển khai được các phương án này cần có sự đồng thuận của các hộ tiểu thương. Tuy nhiên cho đến nay, xã Đắk Ơ đã mở nhiều cuộc họp thông báo, vận động tiểu thương di dời, tháo dỡ công trình, nhưng chưa một ai đồng ý. Trong thời gian tới, chính quyền cần có thêm nhiều cuộc đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Qua đó, rà soát những hộ kinh doanh đang gặp khó khăn, cần mặt bằng buôn bán, tránh trường hợp người có lô sạp bỏ trống, còn người cần chỗ kinh doanh phải thuê mướn với giá cao. Mục tiêu trước mắt là sớm lập lại trật tự an toàn giao thông đối với khu vực trước mặt chợ.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/136501/can-som-lap-lai-trat-tu-cho-dak-o