Cần sớm sửa chữa hạ tầng giao thông, thủy lợi hư hỏng ở xã Hướng Hiệp
Sau đợt mưa lũ xảy ra vào giữa tháng 11/2023 vừa qua, đã có hàng chục đoạn, tuyến đường giao thông và công trình thủy lợi ở xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông bị hư hỏng nghiêm trọng và hiện vẫn chưa thể khắc phục.
Là một xã vùng cao có thế mạnh về sản xuất lúa nước, trồng rừng nguyên liệu, cây sắn... vậy nên những hạ tầng thiết yếu trên có vai trò hết sức quan trọng với địa phương. Tuy nhiên, do chưa có nguồn lực để khắc phục nên hiện nay hạ tầng giao thông, thủy lợi hư hỏng do mưa lũ nơi đây vẫn ngổn ngang, cần sớm được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp để phục vụ sản xuất và đời sống cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp Hồ Văn Việt cho biết, đợt mưa lũ vừa qua đã làm hàng chục công trình đường giao thông, thủy lợi hư hỏng, chủ yếu tập trung ở các thôn Phú An, Gia Giã, Xa Rúc, Khe Hà.
Trong đó, về giao thông, nghiêm trọng nhất là một số đoạn, tuyến: đường nội thôn Phú An, đoạn gần nhà anh Hồ Văn Nam bị sạt lở nền, lề đường 10 m dài và cần khắc phục khai thông dòng chảy dài 50 m để tránh hư hại sau những đợt mưa tiếp theo; lề đường nội thôn Xa Rúc, đoạn gần nhà ông Hồ Văn Chiến bị sạt lở, cuốn trôi nền taluy gia cố bên cánh tường chắn cống hộp hai bên dài 10 m, trôi khoảng 30 m3 đất đá và 10 m3 bê tông; đường nội thôn Xa Rúc, đoạn gần nhà Hồ Văn Ôi bị sạt lở, cuốn trôi lồng sắt và đá hộc gia cố dài 35 m.
Đường vào bản Ta Bung, thôn Xa Vi bị sạt lở lề đường, rãnh thoát nước nhiều đoạn hư hỏng nghiêm trọng với tổng cộng trên 550 m, khối lượng khoảng 300 m3; đường nội thôn Gia Giã vào bản Đá Ngồi bị sạt lở và cuốn trôi chiều dài 200 m; đường nội thôn Gia Giã, đoạn qua nhà ông Hồ Văn Thân bị hư hỏng nhiều đoạn đường, sạt lở các điểm tại các điểm cầu tràn, lề đường và rãnh thoát nước bị cuốn trôi; đường nội thôn Gia Giã, đoạn cầu tràn đập Khe Nghi bị vỡ mái taluy âm; đường nội thôn Gia Giã, đoạn gần nhà anh Hồ Văn Hằng bị vỡ, đứt đoạn và cuốn trôi tổng cộng khoảng 80 m dài...
Các công trình thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ, gồm: thủy lợi Sa Mưu (thôn Xa Rúc) bị vỡ đường kênh tổng cộng dài 150 m, đê bị cuốn trôi phần nâng cấp thân đập và bị bồi lấp gây tắc bể thu, hiện đã khắc phục chỉ mang tính chất tạm thời, cần phải nâng cấp mới hoàn toàn để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu lớn; thủy lợi Chinh Hình (thôn Khe Hà) bị sạt lở bờ, cuốn trôi gia cố bên bờ đập và thủng đáy đập chính với lỗ thủng lớn, không còn giữ được nước.
Thủy lợi Kreng (thôn Gia Giã) bị bồi hoàn toàn; thủy lợi Đá Ngồi (thôn Gia Giã) bị bồi lấp bể thu, cuối trôi 30 đế trụ đỡ ống, mất nước hoàn toàn; thủy lợi Đa Bung (thôn Ruộng) bị hư hại nặng nề; thủy lợi Khe Nghi (thôn Gia Giã) bị bồi lấp bể thu, cuốn trôi 30 m ống qua suối.
Tại xã Hướng Hiệp, đợt mưa lũ đã làm thiệt hại về công trình giao thông và thủy lợi ước tính hơn 10,6 tỉ đồng; thiệt hại về sản xuất nông nghiệp khoảng 500 triệu đồng.
Ngoài các công trình đường giao thông, thủy lợi thì trên địa bàn xã Hướng Hiệp có hơn 5,5 ha đất ruộng lúa nước của người dân cũng bị bồi lấp, ảnh hưởng đến sản xuất trong vụ mùa sắp tới.
Anh Hồ Văn Thịnh, người dân thôn Ruộng cho biết: “Công trình thủy lợi Đa Bung ở thôn đã bị hư hại nặng nề, mấy sào ruộng của gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác bị bồi lấp khá nặng nên sẽ rất khó khăn để triển khai sản xuất vụ đông xuân sắp tới.
Hiện nay, gia đình tôi đang cố gắng nạo vét đất đá, khôi phục diện tích ruộng bị bồi lấp nhẹ để gieo cấy. Với diện tích đất ruộng bồi lấp nặng, phải nhờ đến máy móc cơ giới may ra mới có thể khôi phục nhưng tốn chi phí lớn và gây khó khăn cho bà con”.
Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp Hồ Văn Sinh cho biết, từ sau đợt mưa lũ gây thiệt hại nặng về giao thông và thủy lợi, việc đi lại của người dân hết sức gian nan. Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, gỗ rừng trồng của bà con cũng rất khó khăn, nguy hiểm và chi phí tăng lên.
Trước tình hình này, ông Sinh kiến nghị: “Cấp trên sớm quan tâm bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục khẩn cấp các công trình thủy lợi, công trình giao thông, đảm bảo cho người dân ổn định sản xuất và đi lại. Ngoài ra, cần hỗ trợ ống nước tưới và kinh phí khôi phục đất bị bồi lấp nhằm giúp bà con tái sản xuất thuận lợi”.