Cần sớm sửa thuế
Thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu lại có nguy cơ càng lạc hậu hơn khi từ ngày 1/7 tới, lương cơ bản chính thức tăng. Lương tăng nhưng quy định về thuế thu nhập cá nhân lại 'đứng yên', khiến một số người khi được tăng lương có thể phải đóng thuế cao hơn. Vì thế, niềm vui tăng lương không trọn vẹn.
Theo Bộ Tài chính, vào năm 2021, thu nhập bình quân đầu người là 4,2 triệu đồng/tháng, đến 2023 ước đạt 4,95 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 280.000 đồng/người/tháng, tương ứng với tăng 5,9% so với thu nhập bình quân năm 2022. Như vậy, hơn 3 năm trước, mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là 11 triệu đồng/tháng, bằng hơn 2,6 lần so với thu nhập bình quân đầu người; thì đến nay khi thu nhập bình quân tăng mà mức giảm trừ gia cảnh giữ nguyên nên chỉ còn 2,3 lần.
Cũng chính vì thế mà nhiều ý kiến cho rằng quy định thuế TNCN đã lạc hậu, cần phải sớm sửa đổi mà không chờ tới năm 2025 mới đề xuất. Nhiều chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội cũng đã kiến nghị về vấn đề này. Trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3 vừa qua, nhiều đại biểu phản ánh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế TNCN đã không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, theo kế hoạch, trong năm 2025 mới bắt đầu sửa Luật Thuế TNCN. Lúc đó mới xây dựng lại yếu tố về giảm trừ gia cảnh trình Chính phủ, Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội. Dự kiến sau khi Quốc hội ban hành quy định sửa đổi thì đến năm 2026 các quy định hiện tại mới được thay đổi.
Luật Thuế TNCN ban hành vào năm 2007, áp dụng từ đầu năm 2009. Lần sửa luật gần nhất là vào cuối năm 2012, như vậy cũng đã 12 năm. Hồi đầu tháng 7/2020, do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực nên Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.
Nhưng, sau gần 4 năm, giá cả đã tăng cao, cuộc sống thêm khó khăn. Thực tế thì những người lao động thuộc diện bắt đầu phải đóng thuế thu nhập hiện nay cũng chỉ ở mức đủ sống. Có thể so sánh: giá mỗi lít xăng RON 95 vào giữa tháng 7/2020 là 15.370 đồng/lít thì ngày 16/4/2024 là 24.821 đồng/lít, tăng hơn 9.000 đồng/lít.
Còn nhiều ví dụ khác nữa cho thấy chi phí đã tăng cao so với thời điểm điều chỉnh thuế TNCN cách đây gần 4 năm. Ví dụ, 1 bát phở ở Hà Nội (trung bình) vào năm 2020 khoảng 30.000 đồng, thì nay ở khoảng 40.000 đồng. Tiền gửi xe máy khoảng 2.000 - 5.000 đồng/xe thì nay hầu hết lên 5.000 - 10.000 đồng.
Còn, trong quy định cho vay mua nhà ở của Ngân hàng Chính sách Xã hội (do ngân sách nhà nước hỗ trợ) có điều khoản: cán bộ, công nhân, viên chức có thu nhập trên 11 triệu đồng (phải đóng thuế thu nhập) thì không được vay. Điều đó đã làm tiêu tan giấc mơ có nhà của nhiều người.
Chi phí sinh hoạt tăng khiến thu nhập thực tế của người lao động giảm, trong khi quy định mức tối thiểu phải đóng thuế không tăng, tiền được trừ của người phụ thuộc không tăng. Từ đó, có thể thấy việc điều chỉnh tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng mà chưa điều chỉnh đồng thời quy định thuế TNCN là chưa có sự đồng bộ và làm giảm ý nghĩa của chính sách tăng lương. Sau khi tăng lương có người có thể "đột nhiên" trở thành đối tượng chịu thuế TNCN.
Càng kéo dài thời điểm sửa Luật TNCN sẽ càng kéo dài bất cập, khi mà thu nhập thực tế của người làm công ăn lương giảm do giá cả tăng.
Theo luật sư Trần Xoa (Công ty luật Minh Đăng Quang), quy định mức giảm trừ gia cảnh đã lạc hậu mà chờ đến năm 2025 mới sửa và qua năm 2026 mới áp dụng thì quá lâu. Nên sửa ngay chứ không nên chờ. Luật sư Xoa cũng cho rằng mức giảm trừ gia cảnh nên ở mức 18 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế, thay vì 11 triệu đồng/tháng như hiện nay.
Theo các chuyên gia kinh tế, xét trong bối cảnh thực tế, Bộ Tài chính cần lặp lại đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, tăng mức quy định đối với người phụ thuộc như hồi 4 năm trước, dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa biến động trên 20%. Từ thực tế đời sống, ý kiến đề xuất mức tăng lên cho người nộp thuế 18 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc 6,5 triệu đồng/tháng được nhiều người đồng tình.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/can-som-sua-thue-10277816.html