Cần sớm tháo gỡ vướng mắc cho mặt bằng Cụm Công nghiệp Thái – Thắng
Tháng 4–2018, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1187/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm Công nghiệp Thái – Thắng, huyện Hoằng Hóa. Theo đó, Cụm Công nghiệp này đóng trên địa bàn 2 xã Hoằng Thắng và Hoằng Thái, với tổng diện tích 30,71 ha.
Khu đất được quy hoạch xây dựng Cụm Công nghiệp Thái – Thắng nằm trên địa bàn 2 xã: Hoằng Thắng và Hoằng Thái (Hoằng Hóa).
Theo phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Cụm Công nghiệp Thái – Thắng sẽ thu hút đầu tư thuộc các lĩnh vực: Sản xuất thực phẩm, đồ uống chất lượng cao; sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, hàng thủ công mỹ nghệ; dệt lưới, dệt bạt, da giầy; dịch vụ sửa chữa cơ khí; các dịch vụ ngành nông nghiệp và nhiều ngành nghề khác có liên quan. Dự án xây dựng hạ tầng của cụm công nghiệp này có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, do Công ty CP Đầu tư và Du lịch Đại Dương Xanh, có trụ sở tại thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa làm chủ đầu tư. Việc giải phóng mặt bằng được huyện Hoằng Hóa và các xã triển khai từ tháng 1–2019, dự kiến bàn giao để chủ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong tháng 10–2019, nhưng đến nay, việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành.
Theo đại diện chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Du lịch Đại Dương Xanh, phía doanh nghiệp đã rất tích cực cùng các xã và huyện Hoằng Hóa đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án hạ tầng Cụm Công nghiệp Thái – Thắng. Công ty liên tục liên lạc và phối hợp với Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Hoằng Hóa trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân có đất trong dự án. Với những hộ đồng thuận bàn giao đất, chủ đầu tư ký cam kết sẽ đấu mối với các doanh nghiệp vào đầu tư để tạo việc làm cho lao động địa phương, đồng thời có trách nhiệm hỗ trợ người dân vùng dự án thực hiện các chương trình an sinh xã hội sau này. Công ty CP Đầu tư và Du lịch Đại Dương Xanh cũng chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn để chi trả kịp thời cho những hộ dân bàn giao mặt bằng. Tính đến cuối tháng 10–2019, công ty này đã chi trả bồi thường hơn 32 tỷ đồng cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Những “vướng mắc” dẫn đến hiện vẫn còn gần 50 hộ chưa bàn giao mặt bằng, cũng có nhiều nguyên nhân khách quan, rất cần chính quyền các xã và huyện Hoằng Hóa vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Nhiều hộ có đất trong diện giải phóng mặt bằng dự án nhưng đi làm ăn xa, không có mặt tại địa phương để giải quyết thủ tục bồi thường, rất cần có thông tin để họ về hoặc có cơ chế ủy quyền. Việc cấp đất sản xuất cho những hộ có ruộng trong vùng dự án cần giải quyết nhanh các thủ tục liên quan theo quy định. Một trường hợp được coi là “oái oăm” nhất là chủ đứng tên đất nằm trong vùng dự án hiện đang chấp hành án tại tỉnh Quảng Ninh, chỉ có chính quyền các cấp của huyện Hoằng Hóa mới có thể vào cuộc để kết nối, liên hệ làm việc với chủ đất. Được biết, hiện đã có một số nhà đầu tư thứ cấp về tìm hiểu và mong muốn được đầu tư vào cụm công nghiệp này, nhưng quá trình giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành. Kỳ vọng về một cụm công nghiệp giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động ở đây vẫn chưa thực hiện được.
Tìm hiểu tại xã Hoằng Thắng, có 444 thửa đất nông nghiệp nằm trong mặt bằng Cụm Công nghiệp Thái - Thắng với tổng diện tích trong diện cần thu hồi là 21,71 ha. Có tới 359 hộ thuộc các thôn: Hải Phúc 1, Hải Phúc 2, Hoàng Trì 1 và Hoàng Trì 2 có đất nông nghiệp trong diện bị ảnh hưởng của dự án. Ngay từ cuối năm 2018, đầu năm 2019, khi chính quyền địa phương tiến hành tuyên truyền, triển khai thực hiện công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng, nhiều hộ dân đã đồng thuận giao đất. Ông Hoàng Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thắng, cho biết: Nhân dân địa phương đa phần đồng thuận với chủ trương thành lập cụm công nghiệp của tỉnh và huyện Hoằng Hóa. Chúng tôi cũng nhận thức rõ những lợi ích khi thu hút được các dự án công nghiệp về đây để tạo thêm việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hiện còn 45 trong tổng số 359 hộ vẫn chưa đồng thuận giao đất, làm chậm tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Cũng theo ông Hiến, nguyên nhân có tình trạng chưa đồng thuận giao đất là còn một số hộ vẫn còn nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nên muốn được đổi đất ở một vị trí khác. Xã cũng sẵn sàng đáp ứng bởi vẫn còn nhiều khu đất nông nghiệp bị người dân bỏ hoang hoặc không còn nhu cầu canh tác. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này “vướng” một số thủ tục, trong đó có việc, đa phần những mảnh đất nông nghiệp ở địa phương lâu nay chưa có trích lục, nay phải chờ làm trích lục mới đổi được. Mặt khác, có một số ít hộ chưa đồng thuận vì cho rằng mức giá bồi thường theo quy định còn thấp. Hiện xã Hoằng Thắng đang tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Các tổ đã được xã thành lập tranh thủ thời gian ngoài giờ đến từng nhà những hộ dân chưa đồng thuận để tuyên truyền, vận động để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Xã phấn đấu trung tuần tháng 11-2019 hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án.
Đến thời điểm hiện tại, gần 50 hộ (của cả 2 xã) chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt và liên tục của chính quyền các địa phương. Công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân bị ảnh hưởng về dự án có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp này.