Cần sớm tháo gỡ vướng mắc một số nhiệm vụ dịch vụ hành chính công cho Bưu điện

UBND tỉnh Lâm Đồng đang kiến nghị các cấp Trung ương cần sớm tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ dịch vụ hành chính công cho Bưu điện hiện nay (Đề án 644) vì không thể thực hiện công tác đấu thầu trong khi chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật.

Người dân đang làm TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Người dân đang làm TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

TĂNG HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CHUYÊN MÔN

Đề án 644 là cách gọi tắt của một đề án với tên gọi đầy đủ là “Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công cho Bưu điện” đang thực hiện hiện nay tại Lâm Đồng.

Tên gọi này căn cứ theo Quyết định số 644, ngày 22/3/2019 và Kế hoạch số 607, ngày 7/2/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc tiếp tục thực hiện chuyển giao việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của một số dịch vụ hành chính công cho Bưu điện trên địa bàn ở cấp tỉnh, huyện đến xã.

Như đánh giá của ngành chức năng tỉnh, sau 5 năm thực hiện trên địa bàn Lâm Đồng, tính từ năm 2019 đến nay, Đề án 644 cơ bản đã đi vào hoạt động ổn định, đang phát huy hiệu quả một cách rõ rệt, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, khẳng định việc chuyển giao từ bước thí điểm sang bước mở rộng rất thành công. Cụ thể, người dân và doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn; tiết kiệm chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), đặc biệt là các thủ tục liên thông nhiều cấp; phát huy được chủ trương của Chính phủ về xã hội hóa các dịch vụ hành chính công, mang lại lợi ích và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện TTHC.

Theo ngành chức năng tỉnh, hiện Bưu điện tỉnh đang bố trí và quản lý 44 nhân viên trực tiếp thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa 12/12 huyện, thành phố đối với 100% thủ tục hành chính cấp tỉnh (1.348/1.348 thủ tục) và 98% thủ tục hành chính cấp huyện (3.458/3.538 thủ tục).

Sau quá trình chuyển giao, tập huấn, nhân viên Bưu điện đều có khả năng tiếp thu nhanh, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, luôn cố gắng học hỏi và tiếp cận công việc. Đến thời điểm hiện tại, theo đánh giá, đa số nhân viên bưu điện có thể đảm nhận việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại các cấp; thực hiện nhiệm vụ số hóa hồ sơ đầu vào đối với mọi lĩnh vực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Điểm đáng nói, trong khi số lượng nhân sự phục vụ tại Bộ phận Một cửa cấp tỉnh, cấp huyện đều giảm trong khi chất lượng phục vụ lại tăng. Cụ thể, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, số lượng nhân viên Bưu điện hiện có là 16 người (bao gồm nhân viên thực hiện nhiệm vụ số hóa, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến) đảm nhận nhiệm vụ của 54 công chức được cử đến (chính thức và dự phòng) của 18 sở, ban, ngành, giảm được 37 công chức so với trước đây.

Còn tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, mỗi đơn vị có 1 công chức và từ 1 đến 3 nhân viên Bưu điện (riêng Bộ phận Một cửa TP Đà Lạt có 7 nhân viên Bưu điện) thực hiện nhiệm vụ của 8 công chức (13 phòng chuyên môn cấp huyện), giảm được từ 4 đến 5 công chức của các phòng chuyên môn.

Cùng đó, việc chuyển phát hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua Bưu điện đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách TTHC, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tăng sự lựa chọn của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện hồ sơ, giấy tờ; tạo ra sự tin tưởng, tự nguyện của người dân trong việc lựa chọn phương thức nhận kết quả giải quyết TTHC.

Như đánh giá của ngành chức năng tỉnh, việc triển khai Đề án 644 trong việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC đối với cấp tỉnh, cấp huyện bước đầu góp phần giảm áp lực công việc cho công chức tại các cơ quan hành chính nhà nước, tăng hiệu quả thực hiện công tác chuyên môn trong điều kiện tinh giản biên chế như hiện nay; nâng cao chất lượng phục vụ và đáp ứng nhu cầu của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

CẦN SỚM THÁO GỠ

Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, tại điểm b, khoản 3, Điều 1 của Nghị định số 107, ngày 6/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61, ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, có hiệu lực từ ngày 6/12/2021 có quy định: “Căn cứ tình hình thực tế và năng lực của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (đối với trường hợp cơ quan này thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này), UBND cấp tỉnh quyết định việc thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một hoặc một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC theo quy định pháp luật về đấu thầu”.

Tại điểm 5, Điều 1 cũng nêu rõ “Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích có trách nhiệm bố trí người làm việc tại Bộ phận Một cửa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ khi được giao đảm nhận một hoặc một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC theo quy định pháp luật. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận Một cửa, cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phải tuân thủ và thực hiện đầy đủ trách nhiệm, các nội dung công việc thuộc phạm vi được giao theo quy định tại Nghị định này”.

Như vậy, việc thực hiện Đề án 644 của tỉnh Lâm Đồng như hiện nay theo UBND tỉnh là có cơ sở, định hướng. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có quy định cụ thể của bộ, ngành về định mức kinh tế - kỹ thuật để thực hiện “cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một hoặc một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC theo quy định pháp luật về đấu thầu”.

Mặc dù có quy định tuy nhiên cơ sở pháp lý cụ thể cho việc tiếp tục thực hiện Đề án 644 hoặc xây dựng một đề án mới thay thế cho Đề án 644 là không thể vì không thể thực hiện công tác đấu thầu khi chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật.

Chính vì vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng gần đây đã đề nghị Bộ Nội vụ có ý kiến với Văn phòng Chính phủ xem xét hướng dẫn địa phương được tiếp tục thực hiện Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công cho Bưu điện trên địa bàn tỉnh cho đến khi các cơ quan Trung ương ban hành quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật. Đồng thời tỉnh cũng đang kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ, ngành, địa phương do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc cho tỉnh Lâm Đồng cũng như các địa phương trên toàn quốc.

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202410/can-som-thao-go-vuong-mac-mot-so-nhiem-vu-dich-vu-hanh-chinh-cong-cho-buu-dien-d002b31/