Cần sớm thống nhất tên cho một số xã

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh còn một số xã chưa có sự thống nhất về tên gọi, có những xã có đến 2 tên na ná nhau dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

1 xã có 2 tên, 2 con dấu

Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi đến xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn. Trước đây, nhắc đến vùng đất này, có người gọi là Thẳm Dương nhưng không ít người vẫn gọi là Thẩm Dương. Ngay cả các loại văn bản, giấy tờ đóng dấu của UBND xã cũng ghi tên xã là Thẩm Dương. Vậy đâu là tên đúng?

Các văn bản, giấy tờ của UBND xã Thẳm Dương đều đóng dấu tên Thẩm Dương.

Các văn bản, giấy tờ của UBND xã Thẳm Dương đều đóng dấu tên Thẩm Dương.

Trong câu chuyện xung quanh chủ đề này, ông La Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Thẳm Dương cho hay: Thẳm Dương trước đây thuộc xã Dương Quỳ, là vùng đất có nhiều người dân tộc Tày sinh sống. Theo tiếng Tày, “thẳm” có nghĩa là hang động, “dương” nghĩa là con sơn dương. Thẳm Dương có nghĩa là hang động có nhiều con sơn dương, đây mới là tên gọi gốc và đúng của xã. Còn Thẩm Dương thì theo tiếng Tày không có nghĩa.

Về việc tại sao nhiều người vẫn gọi xã là Thẩm Dương, ông Thủy cho hay: Từ năm 1987, xã Dương Quỳ được tách ra thành Thẳm Dương và Dương Quỳ như ngày nay. Tuy nhiên, khi UBND xã được cấp con dấu, người ta đã khắc nhầm tên của xã thành Thẩm Dương. Từ đó đến nay, xã có 2 con dấu mang tên khác nhau. Dấu của Đảng ủy xã là Thẳm Dương và dấu của UBND xã và các tổ chức chính trị - xã hội là Thẩm Dương.

Gọi và viết thế nào cho đúng?

Trên địa bàn tỉnh, tình trạng “1 xã 2 tên” không chỉ xảy ra ở xã Thẳm Dương, một ví dụ khác là xã Bản Xen của huyện Mường Khương. Anh Nguyễn Văn An, cán bộ tư pháp - hộ tịch của xã cho biết: Theo lời các cụ kể lại, tên gọi trước kia của xã là Bản Sen, có lẽ do ở xã có nhiều ao trồng sen, ngay cả bây giờ cũng có một thôn mang tên gốc là Bản Sen.

Trụ sở UBND xã Bản Xen được xây dựng từ năm 2004 theo tên bị nhầm.

Trụ sở UBND xã Bản Xen được xây dựng từ năm 2004 theo tên bị nhầm.

Xem trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Bản Xen cũng ghi các thông tin: Đầu năm 1947, Ủy ban Hành chính xã Bản Sen được thành lập. Năm 1954, tên xã Bản Sen được đặt mới là xã Dân Chủ. Ngày 3/4/1965, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định số 125 về đổi tên các xã thuộc huyện Mường Khương, theo đó, xã Dân Chủ đổi tên thành Bản Sen.

Tuy nhiên, từ năm 1991 (khi tái lập tỉnh), xã được cấp lại con dấu, do có nhầm lẫn nên tên xã Bản Sen lại trở thành Bản Xen. Từ đó, các con dấu của Đảng ủy, UBND xã, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các trường học, y tế đều mang tên Bản Xen. UBND xã được xây dựng từ năm 2004 cũng in biển tên là Bản Xen. Trên thực tế, nhiều người dân xã Bản Xen khi làm các loại giấy tờ, thủ tục hành chính hiện vẫn nhầm lẫn giữa Bản Sen (tên gốc) và Bản Xen (tên hiện nay).

Ngoài xã Thẳm Dương, Bản Xen, trên địa bàn tỉnh còn một số xã khác có 2 tên gọi na ná nhau gây nhầm lẫn, như xã Tả Giàng Phình (Sa Pa) có tên trên con dấu, giấy tờ là Tả Giàng Phình, nhưng tên Trường Tiểu học lại là Tả Giàng Phìn, Trường THCS là Tả Giàng Phình. Năm 2018, trong dịp liên trường học ở Tả Giàng Phình tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), phông chữ trên sân khấu lại dán dòng chữ UBND xã Tả Giàng Phìn. Đối với xã Tòng Sành (Bát Xát), nhiều người hiện nay vẫn băn khoăn, nhầm lẫn, gọi và viết theo tiếng địa phương là Toòng Sành và có thời gian, một số biển chỉ dẫn cũng ghi tên xã là Toòng Sành.

Cần sớm thống nhất về tên gọi

Trao đổi thêm với chúng tôi về tình trạng “1 xã 2 tên”, ông La Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Thẳm Dương cho biết, sự nhầm lẫn về tên gọi của xã trong thời gian qua đã gây ra nhiều phiền toái trong thực hiện các thủ tục hành chính. Thời gian qua, xã đã có văn bản đề nghị Sở Nội vụ cấp lại con dấu khắc tên đúng cho UBND xã và các tổ chức chính trị - xã hội, trường học là Thẳm Dương. Tuy nhiên đến nay, xã vẫn chưa được cấp lại con dấu.

Đối với xã Bản Xen, theo lãnh đạo xã, việc cấp lại con dấu theo tên đúng của xã là Bản Sen cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, những năm qua, nhiều người dân, cán bộ xã đã quen với tên gọi “Bản Xen”, con dấu cũng đã thay đổi nên nếu đổi tên trở lại cũng cần suy nghĩ đến nhiều vấn đề nảy sinh.

Từ thực trạng một số xã trên địa bàn tỉnh chưa thống nhất về mặt tên gọi đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho người dân, nhất là những khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, các loại văn bản, giấy tờ. Cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương này và ngành chức năng cần sớm xem xét, thống nhất về tên gọi cho những xã có nhiều tên gọi. Cùng với đó, cấp ủy đảng, chính quyền các xã cần thông báo đến người dân về tên gọi đúng của xã để thuận lợi trong các công việc liên quan.

Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/can-som-thong-nhat-ten-cho-mot-so-xa-z5n20190803095440555.htm