Cần sớm trả lời, xử lý đơn thư của công dân theo đúng quy định pháp luật
Thời gian qua, người dân có nhiều đơn thư gửi đến các cơ quan trung ương và thành phố Hà Nội, để phản ánh, khiếu nại và tố cáo dấu hiệu vi phạm trong công tác quản lý trật tự - xây dựng ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội...
Vấn đề hết sức quan trọng cần đặt ra là phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan – cấp có thẩm quyền trả lời, giải quyết đơn thư theo đúng quy trình, quy định pháp luật…
Phản ánh đến cơ quan báo chí, bà Nguyễn Thị Chinh (68 tuổi, trú ở tổ dân phố Tháp, phường Đại Mỗ) cho rằng có hiện tượng, dấu hiệu của cấp cơ sở bao che, không xử lý các vi phạm của cấp dưới, gây nhiều bức xúc cho người dân địa phương. Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã có phiếu chuyển đơn của bà Chinh đến UBND quận Nam Từ Liêm để xem xét, giải quyết...
Theo bà Chinh, những dấu hiệu vi phạm trong công tác quản lý đất đai, trật tự đô thị… xảy ra đã lâu nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý dứt điểm.
Những vấn đề mà công dân phản ánh, khiếu nại thời gian qua liên quan đến những cán bộ đã và đang công tác tại cấp cơ sở. Như câu hỏi về công tác quản lý hồ sơ địa chính; có dấu hiệu cán bộ tự ý lập và sửa sổ mục kê đất đai năm 2000 không có dấu, chữ kí của Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ (nay là phường Đại Mỗ); rồi xác nhận sai về nguồn gốc đất của người dân nhằm đưa phần đất này vào diện đất công, đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/CP của Chính phủ.
Công dân cũng phản ánh khu vực ao chuôm Bà Đẻ (chợ Chiều) vốn là chuôm để tiêu nước cho khu dân cư tổ dân phố (TDP) Tháp và TDP Chợ, đồng thời là chuôm chứa nước cho tưới tiêu. Thế nhưng đã diễn ra việc mua bán, san lấp và xây dựng trái phép.
Chưa hết, công dân phản ánh cả việc có công trình sửa chữa, cơi nới vi phạm trật tự xây dựng ngay gần trụ sở UBND phường Đại Mỗ; rồi việc triển khai xây dựng trên đất chợ Sáng Đại Mỗ…
Thực tế cho thấy, có những vụ việc, đơn thư liên quan đến sự việc trên đã được cơ quan chức năng tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý theo quy trình, quy định và thẩm quyền. Song, có những sự việc chưa được giải quyết dứt điểm, chưa có câu trả lời thỏa đáng đúng – sai về trách nhiệm, khiến công dân tiếp tục có đơn thư.
Về trách nhiệm giải quyết đơn tố cáo của công dân, chuyên gia pháp lý Trịnh Văn chia sẻ: theo quy định tại Điều 2 - Luật Tố cáo năm 2018, thì tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Liên quan đến quy định về tố cáo, pháp luật xác định người tố cáo là cá nhân thực hiện việc tố cáo. Người bị tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo. Và người giải quyết tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Đối chiếu với quy định trên thì các cá nhân và tổ chức (UBND phường) là người bị tố cáo khi có dấu hiệu vi vi phạm pháp luật. Người dân khi phát hiện các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi vi phạm pháp luật đã thực hiện quyền của mình là gửi đơn tố cáo. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhận có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải thực hiện giải quyết theo quy định tại Điều 5 của Luật Tố cáo.
Quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm an toàn cho người tố cáo; xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo”.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo mà không tiếp nhận, không giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật, thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo hoặc giải quyết tố cáo trái pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm minh; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân không khách quan, bao che sai phạm thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo theo quy định tại Điều 37 - Luật Tố cáo.
Về thời hạn giải quyết tố cáo thì không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.