Cần sớm trùng tu, tôn tạo các di tích ở xã Hà Đông
Xã Hà Đông (Hà Trung) là nơi có Di tích lịch sử cấp quốc gia Ly cung nhà Hồ và di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh đình Thượng Phú. Trải qua thăng trầm lịch sử cùng sự tác động của thời gian, các di tích đã xuống cấp và cần được trùng tu, tôn tạo.
Bia đá tại Ly cung nhà Hồ.
Đình Thượng Phú hơn 600 năm tuổi
Đây là ngôi đình được khởi dựng từ cuối thời Trần (cuối thế kỷ XIV), thuộc làng Kim Sơn, xã Hà Đông. Đình được xây dựng bởi những nghệ nhân tài hoa người Chăm, nổi tiếng với kiến trúc truyền thống độc đáo, hoa văn chạm khắc tinh xảo vừa mang nét kiến trúc cung đình, vừa phản ánh sinh hoạt văn hóa dân gian. Vào tháng 9-1995, đình Thượng Phú được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Trải qua hơn 600 năm tuổi, ngôi đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều cấu kiện kiến trúc nghệ thuật bị hư hỏng, nứt vỡ, mái ngói bị xô dạt, gẫy vỡ, mưa thấm dột xuống kiến trúc phía dưới... nên đình có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Trong khi đó, đây vẫn là nơi thường diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, sự kiện chính trị của thôn, xã.
Chủ tịch UBND xã Hà Đông Phạm Thế Chinh, cho biết: Để chống xuống cấp di tích, nhiều năm qua Nhân dân địa phương đã đóng góp kinh phí chằng, chống tạm bợ. Năm 2015, tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng cho việc trùng tu, tôn tạo di tích đình Thượng Phú nhưng theo dự toán, việc trùng tu đình Thượng Phú cần nguồn kinh phí lớn hơn rất nhiều - khoảng trên 3 tỷ đồng. Vì vậy, việc trùng tu chưa thể thực hiện. Mới đây xã đã có tờ trình xin chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo đình Thượng Phú trình Chủ tịch UBND huyện.
Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung, cho biết: Giá trị kiến trúc nghệ thuật của đình Thượng Phú là không thể phủ nhận. Do đó cần có nguồn lực lớn để trùng tu, trong khi ngân sách xã và huyện còn nhiều khó khăn, nên rất cần sự hỗ trợ từ ngân sách tỉnh.
Ly cung nhà Hồ
Ly cung nhà Hồ gắn liền với tên tuổi của nhân vật nổi tiếng trong lịch sử phong kiến nước ta vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV - Hồ Quý Ly. Các hiện vật được tìm thấy nơi đây thể hiện nét kiến trúc độc đáo, hình hài của một cung đình thu hẹp. Theo dòng lịch sử, vào những năm 1396 - 1398, nhà Trần đã thực sự suy vi khó có thể cứu vãn. Lợi dụng tình thế ấy, ở phương Bắc, nhà Minh không giấu diếm tham vọng thôn tính, phía Nam giặc Chiêm Thành cũng không ngừng quấy phá nước ta. Thế nước suy yếu, nhà vua lại không thể làm chủ chính sự. Hồ Quý Ly là tể tướng đương triều đã đứng ra dùng sách lược mềm mỏng ngoại giao hoãn binh quân giặc. Cùng lúc, trong nước, ông tham mưu cho vua tôi nhà Trần rời đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa rồi xây dựng cung Bảo Thanh (Ly cung) làm hành dinh chống giặc và là nơi đàm luận việc quân cơ.
Năm 1997, Ly cung được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Theo Quyết định 1316/QĐ-TTg, ngày 12-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch, thì Ly cung nằm trong nhóm dự án số 6 (dự án thành phần và phân kỳ đầu tư thuộc ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động nguồn vốn khác giai đoạn 2021 - 2025). Đến nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị Ly cung nhà Hồ mới chỉ dừng lại ở sự tự nguyện đóng góp ít ỏi của Nhân dân địa phương.
Di tích đình Thượng Phú và Ly cung nhà Hồ, xã Hà Đông được trùng tu, tôn tạo xứng tầm sẽ tạo thêm sự kết nối các giá trị di tích, danh thắng trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc và vùng phụ cận, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách xa gần.