Cần sớm xác định rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt ở xã Hát Lót
Những ngày qua, nhiều loại cá của gần 20 hộ dân ở thôn Tiền Phong, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn bất ngờ bị chết nổi trắng ao chưa rõ nguyên nhân. Theo phản ánh của người dân, thời điểm đó, nước trong ao có màu đục và bốc mùi hôi thối. Các loại cá có trọng lượng từ vài lạng đến vài cân cứ lờ đờ trên mặt nước rồi chết ngửa bụng.
Nhận được thông tin của người dân, ngày 23/7, phóng viên Báo Sơn La đã đến thôn Tiền Phong, xã Hát Lót để tìm hiểu sự việc. Theo phản ánh, tình trạng cá chết hàng loạt bắt đầu xuất hiện từ ngày 18/7. Trong đó, ao cá của gia đình ông Trần Văn Bê bị thiệt hại lớn với 2 lần cá bị chết, đợt đầu vào khoảng tháng 4, đợt 2 là ngày 18/7 vừa qua, gần như toàn bộ cá trong 2 ao của gia đình ông Bê bị chết hết. Ông Bê cho biết: Hai ao rộng hơn 320m², có những con cá to 5-7 kg cũng chết. Các loại cá rô phi, chép chết trắng ao. Tiếc của lắm! Nhưng không dám ăn, không dám mang bán mà chỉ vớt cá đem đi chôn.
Là hộ bị thiệt hại nhiều nhất trong thôn, gia đình anh Nguyễn Văn Hiền, Trưởng thôn Tiền Phong, xã Hát Lót, đã bị thiệt hại hơn 3 tạ cá. Ngay sau khi cá bị chết, anh Hiền đã báo lên chính quyền xã. Anh Hiền nói: "Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng tháng 6-7, nhiều ao cá của các gia đình trong thôn lại xuất hiện tình trạng cá bị chết. Mặc dù đã rất nhiều lần kiến nghị với UBND xã Hát Lót tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Điểm chung của các hộ có cá bị chết ở đây là đều lấy nước từ dòng suối Nà Si, mà phía trên có trang trại nuôi lợn nằm ngay cạnh suối. Chúng tôi nghi ngờ việc xả thải từ trang trại lợn là nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt".
Để “thực mục sở thị” trang trại nuôi lợn theo lời ông Hiền, chúng tôi men theo dòng suối Nà Si, càng ngược suối mùi hôi thối bốc lên càng nồng nặc. Từ ao đầu tiên có cá bị chết, ngược dòng khoảng 200 m, chúng tôi thấy một trang trại nuôi lợn quy mô lớn, với hệ thống chuồng trại xây dựng kiên cố nằm phía bên kia suối, thuộc địa phận bản Nà Si, xã Hát Lót. Điều đáng nói là bờ tường của trang trại này nằm ngay cạnh bờ suối Nà Si. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, nhìn thấy 1 ống nhựa đường kính khoảng 15 cm nối từ bờ tường trại nuôi lợn dẫn thẳng qua suối đang chảy thứ nước đục ngầu vào một hố chứa nằm ngay cạnh bờ suối đối diện trại nuôi lợn; hố chứa này rộng chừng 4 m², mặt hố sủi bọt đen kịt và bốc mùi hôi thối rất khó chịu.
Anh Nguyễn Văn Hiền, Trưởng thôn Tiền Phong kể: "Suối Nà Si chảy qua đây, rồi đổ về hồ Tiền Phong cách đó không xa. Trước đây, nguồn nước suối này rất trong, nhưng từ khi trang trại chăn nuôi được xây dựng, nước suối đã chuyển sang đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Tình trạng ô nhiễm môi trường này, khiến bà con rất lo lắng! Vì cả sức khỏe và sản xuất, chăn nuôi đều bị ảnh hưởng".
Tại hiện trường khu vực xả thải của trang trại lợn, anh Nguyễn Văn Hiền đã gọi điện thoại báo cáo sự việc cho ông Cầm Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Hát Lót để cử cán bộ lên xác minh, thế nhưng không thấy ai xuất hiện. Chỉ đến khi phóng viên trực tiếp gọi điện thì ông Tòng Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính xã lên để kiểm tra khu vực xả thải của trang trại này.
Sau khi kiểm tra thực tế, ông Tâm cho biết: “Đây là trang trại nuôi lợn của gia đình Bình Nhung. Trước đây, đã nhiều lần người dân phản ánh thông tin trại lợn xả thải trực tiếp vào suối Nà Si gây ô nhiễm, nhưng khi xã cử cán bộ lên thì lại không thấy xả thải. Hôm nay, nhận được thông tin từ nhà báo chúng tôi lên thì thấy đúng trại lợn đang xả thải ra suối, qua cảm quan ban đầu thì nước thải có màu đục, bốc mùi hôi khó chịu. Chúng tôi sẽ lấy mẫu nước thải ở đây để gửi đi các cơ quan chức năng xét nghiệm”.
Tiếp tục theo dõi thêm, chỉ sau vài chục phút thực địa, phóng viên phát hiện nước thải từ trang trại lợn vẫn liên tục xả trực tiếp ra suối và nước có màu đen hơn thời điểm trước. Kiểm tra dọc khu vực tường của trang trại, chúng tôi phát hiện thêm 2 ống nước đấu nối trực tiếp ra suối Nà Si.
Đem những ý kiến của người dân và hình ảnh ghi lại được trong quá trình đi thực địa tới làm việc với lãnh đạo UBND xã Hát Lót. Ông Cầm Ngọc Quý, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Ngày 18/7, khi anh Hiền gọi thì chúng tôi có lên kiểm tra. Chúng tôi gọi cho cơ sở chăn nuôi Bình Nhung thì họ bảo cái này không phải là do họ đâu, cá chết chắc là do chết dịch hoặc người dân phun thuốc thôi".
Lý giải về việc nhận được thông tin từ ngày 18/7, nhưng đến ngày 23/7 xã vẫn chưa báo cáo sự việc lên UBND huyện Mai Sơn, cũng như chưa có bất kỳ động thái gì để xác định nguyên nhân hay biện pháp bảo vệ số cá còn lại của các hộ dân. Chủ tịch UBND xã Hát Lót phân trần: "Văn bản đến thời điểm này chưa làm chỉ là sự chậm chễ chứ không phải chúng tôi không làm. Cả tuần nay tôi bận đi cơ sở..."!
Theo thông tin chúng tôi nhận được, ngày 18/7, lãnh đạo xã Hát Lót có lên kiểm tra, nhưng không lập biên bản, không lấy mẫu nước thải từ trang trại nuôi lợn và mẫu nước trong ao của các hộ dân có cá bị chết. Phải đến hôm thứ 4, cán bộ địa chính xã Hát Lót mới gọi anh Nguyễn Văn Hiền lấy 2 chai nước ở ao mang ra xã để gửi đi xét nghiệm. Nhưng tại buổi làm việc với UBND xã, chúng tôi vẫn thấy 2 chai nước mẫu đang nằm ở Trụ sở UBND xã và cũng chưa có báo cáo nào liên quan đến vụ việc nói trên được gửi lên huyện. Khi chúng tôi hỏi về thông tin trang trại chăn nuôi lợn Bình Nhung, về chủ cơ sở này thì cả lãnh đạo UBND xã và cán bộ địa chính xã Hát Lót đều không nắm rõ.
Thật ngạc nhiên khi một trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lên đến 500 con (thông tin người dân cung cấp) tồn tại đã nhiều năm trên địa bàn xã. Hơn nữa, có rất nhiều người dân kiến nghị liên quan đến trang trại nuôi lợn này mà cán bộ xã đến giờ vẫn không nắm được thông tin. Tình trạng cá chết hàng loạt thì vẫn xảy ra hằng năm, gây thiệt hại không nhỏ cho nhân dân. Rất mong các cơ quan chức năng huyện Mai Sơn sớm vào cuộc, xác định rõ nguyên nhân và giải quyết kịp thời, thỏa đáng cho người dân.