Cần sự cảm thông!

Sau hơn 3 ngày cùng những đồng nghiệp đến Philippines để tác nghiệp SEA Games, ê-kíp của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) cũng như những phóng viên khác đã thấy nhiều điều bất tiện tại nơi này.

>> Mabuhay SEA Games
>> Philippines “đếm ngược thời gian” đón chào SEA Games
>> U22 Indonesia mới là đối thủ đáng gờm của U22 Việt Nam
>> Đài lửa SEA Games trị giá 1 triệu USD gây phẫn nộ tại Philippines
>> Đoàn thể thao Việt Nam xuất quân tại sân bay Nội Bài

Đầu tiên đó là giá cước dịch vụ viễn thông, vì ngay sau khi bước xuống Sân bay Ninoy Aquino ở Manila, chúng tôi cùng những đồng nghiệp khác nhanh chóng mua cho mình 1 sim bản địa và đăng ký dịch vụ 3G, 4G, bởi đây được xem là ưu tiên tối thượng cho công việc. 3 anh em ê-kíp BPTV đã bỏ ra 100 USD mua 3 chiếc sim lắp vào điện thoại, thế nhưng chỉ sau chưa tới 3 ngày sử dụng, dù chỉ vào các trang mạng cá nhân thì tài khoản của tôi cùng 1 đồng nghiệp tương đương mỗi người tốn hơn 800 ngàn đồng, trong đó có 32 GB truy cập internet nhưng đã hết rất nhanh. Quá đắt và quá bất ngờ với dịch vụ viễn thông nước bạn, đó còn chưa nói mạng 3G, 4G ở đây cũng khá chập chờn.

Điều đáng lo nhiều nhất là tình trạng kẹt xe ở Philippines. Đây là cảnh thường thấy ở các thành phố lớn - nơi tổ chức các môn thi đấu SEA Games 30. Nỗi lo kẹt xe không chỉ của các đoàn vận động viên mà ngay cả cánh phóng viên cũng hết sức nan giải, vì từ khách sạn dù chỉ di chuyển khoảng 30km đến nơi tác nghiệp phải mất 2-3 tiếng đồng hồ là điều hết sức thường tình, nhiều khi đến nơi thì sự việc đã diễn ra, thậm chí đã xong. Chính tình trạng kẹt xe này mà giá cước của phương tiện giao thông công cộng như taxi, Grab cũng rất vô chừng, “nhảy múa” theo thời điểm. Cụ thể, nếu đi từ Manila đến Binan cự ly chừng 38km, khi “book” trên app Grab chỉ khoảng 1.000 peso (tương đương 400 ngàn đồng) nhưng sẽ không tài xế nào đi, khi giá được “đôn” lên hơn gấp 3 lần thì họ mới gật đầu phục vụ.

Là người đã tác nghiệp qua nhiều kỳ SEA Games, tôi thấy thực tế khó khăn và bất tiện thì gần như nước chủ nhà nào cũng gặp phải. Do đó buộc những người trong cuộc phải chấp nhận và khắc phục “Vì sự đoàn kết - hữu nghị của cộng đồng chung SEAN”. Cũng cần nhìn nhận rằng, nước chủ nhà SEA Games 30 - Philippines công tác chuẩn bị chưa tươm tất ở một số khâu, như: đội ngũ phục vụ đón tiếp, tình nguyện viên rất vắng bóng, kể cả cơ sở vật chất còn đang phải “đua” với thời gian để hoàn thiện. Thế nhưng tất cả vẫn thấy sự tấp nập, khẩn trương của những công trình, những giọt mồ hôi của các công nhân để tô điểm cho SEA Games thêm tươi mới. Điểm cộng của nước chủ nhà cần được ghi nhận nữa là tính cách chân thật, hiền hòa và nhiệt tình của người dân bản xứ, bởi khi bạn muốn hỏi bất cứ điều gì, họ sẵn sàng trợ giúp đến nơi đến chốn...

SEA Games 30 đã đến rất gần. Cũng nên nhớ rằng, Philippines chỉ là “người đóng thế” cho Brunei ở Sea Games 30 nên những khiếm khuyết chắc chắn sẽ có. Bằng tinh thần thể thao cao thượng và vì một ASEAN phát triển, sự cảm thông thật sự rất cần để chúng ta đạt được mục tiêu mà khẩu hiệu SEA Games 30 đề ra “We win as one” (ảnh, tạm dịch: “Chúng ta cùng chiến thắng”).

Nguyễn Tấn (Từ Manila, Philippines)

>> Chờ tin vui từ các nữ tuyển thủ
>> SEA Games 30: Những hy vọng vàng của thể thao Việt Nam
>> U22 Việt Nam thoải mái, tự tin trước trận ra quân gặp Brunei
>> Lan tỏa tinh thần We win as one - Chúng ta cùng chiến thắng
>> Tuyển nữ Philippines được dựng tượng gỗ

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/can-su-cam-thong-481510