Cần sự chủ động kết nối của '5 nhà'

Chuỗi sự kiện Trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản năm 2019 do UBND tỉnh tổ chức đã thành công, mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến của các lãnh đạo, nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp xung quanh hoạt động này.

ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH TRẦN HỮU THẾ: Xây dựng chuỗi kết nối cung cầu các nông sản chủ lực

Thông qua việc thực thi các cơ chế, chính sách thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nông thôn đã có những bước tiến vượt bậc trên các lĩnh vực, cụ thể như: Duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định với giá trị gia tăng bình quân 4,5%/năm, giá trị sản xuất tăng bình quân 4,2%/năm và đóng góp 25,3% giá trị tổng sản phẩm trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tính đến tháng 7/2019, toàn tỉnh đạt bình quân 15,85 tiêu chí/xã, 47 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 53,4% tổng số xã); trong đó, Tây Hòa được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong thời gian qua còn gặp những khó khăn nhất định. Tình trạng được mùa, mất giá liên tục xảy ra; chưa có sự kết nối cung cầu với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có sự chuyển biến rõ nét, chất lượng tăng trưởng chưa bền vững; khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực còn thấp...

Trong chuỗi hoạt động Trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản tỉnh Phú Yên năm 2019, UBND tỉnh tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm giúp lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban ngành trong tỉnh có điều kiện tiếp xúc với nông dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân trong thực hiện các chính sách quản lý; đồng thời giúp xây dựng chuỗi kết nối cung cầu đối với các nông sản chủ lực, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh.

PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NN-PTNT ĐÀO LÝ NHĨ: Hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp cùng phát triển

Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với nông dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp là nơi giao lưu, trao đổi giữa 5 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, ngân hàng) để tìm biện pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản, tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đồng thời giải quyết các vấn đề: Chính sách hỗ trợ nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; thị trường lao động; nhu cầu vốn, đất đai; lao động nông thôn và đào tạo nghề cho lao động nông thôn; quản lý công nghệ và vật tư nông nghiệp hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Hội nghị này đã đáp ứng được mục đích, yêu cầu thu thập thông tin bổ sung để đánh giá toàn diện thực trạng ngành Nông nghiệp để điều chỉnh đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với xây dựng nông thôn mới hiệu quả. Đồng thời giúp lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành tiếp xúc, đối thoại với nông dân, doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nông dân, doanh nghiệp; giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn những khó khăn, bất cập trong việc ứng dụng, tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới…

Qua gặp gỡ, đối thoại, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm phát huy tác dụng, hiệu quả của các chính sách trong nông nghiệp giai đoạn mới; là cơ sở để các sở, ban ngành trong tỉnh xây dựng kế hoạch nhằm thực hiện hiệu quả đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

ÔNG MANG CƯ, NÔNG DÂN HUYỆN ĐỒNG XUÂN: Mong có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi

Đây là lần đầu tiên tôi tham dự hội nghị đối thoại với lãnh đạo tỉnh và các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp. Tôi thấy có rất nhiều mô hình mới được các doanh nghiệp trình diễn về các loại phân bón, mô hình sản xuất hữu cơ có thể áp dụng trong trồng trọt…

Hiện nay, tôi muốn mở rộng chăn nuôi nên rất mong các cơ quan chức năng có nhiều chính sách hỗ trợ, giới thiệu các giống bò lai mới để người dân tiếp cận. Bên cạnh cung cấp giống đạt chuẩn thì việc hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân cũng rất quan trọng. Đây là yếu tố chính để chăn nuôi đạt hiệu quả cao.

Một vấn đề người dân cũng rất quan tâm là giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Nông dân chúng tôi thường xuyên vấp phải khó khăn mang tên được mùa, mất giá. Hy vọng trong thời gian tới, Nhà nước sẽ có thêm nhiều chính sách giải quyết các vướng mắc để người dân mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế.

ÔNG VÕ MINH RIN, CÔNG TY CP CÔNG NGHỆ TƯỚI KHANG THỊNH (TP HỒ CHÍ MINH): Mang đến nông dân công nghệ mới

Công ty CP Công nghệ tưới Khang Thịnh là một trong những đơn vị lâu năm hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng KH-CN trong nông nghiệp. Khi đến với chuỗi hoạt động Trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, chúng tôi thấy rất nhiều điểm chung với người nông dân Phú Yên.

Với mục đích giảm bớt sự vất vả cho nông dân trong trồng trọt, chúng tôi đã giới thiệu các kỹ thuật tưới nước, cung cấp dinh dưỡng bằng hệ thống tự động hóa. Các công nghệ mới ứng dụng trong nông nghiệp này không chỉ giúp người dân giảm bớt sức lao động thủ công mà còn mang lại hiệu quả kinh tế, tăng năng suất trồng trọt. Nhiều nông dân, doanh nghiệp Phú Yên đã liên hệ với chúng tôi để hợp tác, cung cấp dịch vụ.

Tại chuỗi hoạt động lần này, các doanh nghiệp cũng có cơ hội trao đổi thông tin, kinh nghiệm cũng như mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới.

ÔNG TRẦN ĐĂNG KHOA, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH MTV BẢO CHÂU PHÚ YÊN: Liên kết để phát triển rừng trồng theo hướng bền vững

Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên hiện có trên 3.500ha diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh; trong đó có gần 2.000ha diện tích rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC. Định hướng chiến lược phát triển của công ty là nâng diện tích rừng trồng lên 8.000ha vào năm 2020.

Hiện công ty liên doanh với Tập đoàn Econecol (Nhật Bản) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất viên nén gỗ hiện đại, 100% sản phẩm viên nén gỗ của nhà máy được xuất khẩu qua Nhật Bản. Dự kiến nhà máy này đưa vào hoạt động trong năm 2021. Ngoài ra, đơn vị đang phối hợp với Viện Khoa học và giáo dục Đông Nam Á để nghiên cứu trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Việc liên kết với các chủ rừng để mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững là cơ sở để đơn vị phát triển sâu, phát triển mạnh trong chế biến lâm sản. UBND tỉnh cần tạo điều kiện, cho phép doanh nghiệp được liên doanh, liên kết mở rộng sản xuất, đặc biệt là đối với các chủ rừng là ban quản lý rừng phòng hộ. Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Phú Yên tạo điều kiện để công ty tham gia là thành viên của 11 HTX lâm nghiệp với dự kiến từ 8.000-10.000ha trên địa bàn tỉnh.

Đây là điều kiện để đơn vị tham gia góp vốn (khoảng 30%) cũng như hỗ trợ cây giống, kỹ thuật cho các HTX trồng rừng. Công ty cam kết bao tiêu 100% sản lượng gỗ khai thác của HTX lâm nghiệp, thành viên HTX lâm nghiệp với giá ổn định từ 10-20 năm; đối với diện tích rừng có chứng chỉ FSC thì giá thu mua cao hơn giá thị trường từ 5-15% để cung cấp cho 2 nhà máy sản xuất viên nén của công ty và của liên doanh; hỗ trợ làm chứng chỉ rừng bền vững cho các HTX lâm nghiệp này.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/226860/can-su-chu-dong-ket-noi-cua--5-nha.html