Cần sự chung tay

Năm 2020, thành phố Hà Nội tiết kiệm được khoảng 430,8 triệu kWh điện, tương ứng khoảng 870 tỷ đồng, góp phần không nhỏ bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường sống, xây dựng và phát triển Thủ đô.

Thành quả này là sự nỗ lực của thành phố trong vận động, khuyến khích người dân, cũng như quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường tiết kiệm điện; các doanh nghiệp, hộ gia đình tích cực áp dụng biện pháp tiết giảm năng lượng trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Đặc biệt là ngành Điện Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, từ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đến tham gia chiến dịch Giờ trái đất, tổ chức các chương trình hộ gia đình, trường học tiết kiệm điện, lắp đặt điện mặt trời mái nhà...

Hà Nội là một trong những thành phố sử dụng nhiều điện. Với việc tiết kiệm, thành phố duy trì, bảo đảm tốt hơn nguồn cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, trong khi thành phố đã, đang tăng cường tiết kiệm điện thì vẫn còn nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều đơn vị, cá nhân sử dụng điện khá lãng phí, nhất là ở khu vực công cộng, trụ sở cơ quan… một phần do thiếu ý thức, phần khác là thiếu kỹ năng sử dụng điện tiết kiệm.

Điện là nguồn năng lượng sống còn cho nền kinh tế và hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Với tình hình hiện nay, để bảo đảm việc cấp điện ổn định, nhất là cho những tháng hè sắp tới, cần sự chung tay nhiều hơn nữa của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng điện tiết kiệm. Cụ thể là cần thực hiện tốt Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 10-3-2021 của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường tiết kiệm điện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021; thực hiện tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời… Đặc biệt, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải làm tốt công tác nêu gương, đi đầu thực hiện tiết kiệm điện, cũng như quán triệt tới toàn thể người lao động, đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ…

Đối với ngành Điện Hà Nội cần tiếp tục triển khai các biện pháp tiết kiệm điện hiệu quả thời gian qua; chủ động rà soát kế hoạch phát triển điện lực để có những điều chỉnh phù hợp với quy hoạch, nhu cầu thực tế; sẵn sàng các phương án, giải pháp đầu tư bổ sung các dự án điện cấp bách, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Bên cạnh đó, cần tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức tiết kiệm điện trong nhân dân; khuyến nghị khách hàng, cũng như đẩy mạnh phát tờ rơi hướng dẫn sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả…

Tiết kiệm điện không chỉ giảm chi phí mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo đảm cung ứng điện. Do đó, các doanh nghiệp cần bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm; đầu tư, cải tiến, thay thế thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao, tiết kiệm điện… Đối với các hộ gia đình nên lựa chọn, sử dụng thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng để thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm; sử dụng quạt thay cho điều hòa khi không quá nóng, tận dụng tối đa ánh sáng trời và gió tự nhiên; đầu tư lắp đặt thêm điện mặt trời mái nhà (nếu có thể) để sử dụng nguồn điện mặt trời tại chỗ, tiết kiệm chi phí tiền điện…

Với sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội trong việc sử dụng điện tiết kiệm, nguồn cung ứng điện sẽ được bảo đảm thường xuyên, liên tục, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân và sự phát triển của Thủ đô.

Quỳnh Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/994231/can-su-chung-tay