Cần sự chung tay cả cộng đồng

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội đã có tác động không nhỏ đến chất lượng môi trường sống. Trên địa bàn tỉnh tuy chưa xảy ra suy thoái môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm, suy giảm tài nguyên đã có những diễn biến phức tạp. Vấn đề bảo vệ môi trường đang là thách thức, cần những giải pháp bảo vệ hiệu quả.

Bài 1: Bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh đã đẩy mạnh kiểm soát, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm; kiểm tra, giám sát việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, bất cập.

Xử lý rác thải còn hạn chế

Với sự phát triển kinh tế - xã hội ngày càng nhanh, nguồn phát sinh rác thải rắn sinh hoạt tăng lên qua từng năm tạo ra những áp lực đối với cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành. Khó khăn trong công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay là địa bàn rộng, dân cư phân tán; cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu...

Trước đây Bãi rác Noong Bua từng là điểm nóng ô nhiễm môi trường, gây nhiều bức xúc cho người dân.

Trước đây Bãi rác Noong Bua từng là điểm nóng ô nhiễm môi trường, gây nhiều bức xúc cho người dân.

Việc thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế. Trong khi đó hiện nay các chính sách hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực xử lý chất thải chưa đồng bộ; thiếu nguồn vốn đầu tư cho các công trình xử lý rác thải; mức thu phí vệ sinh môi trường còn thấp nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Vì vậy, phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu là chôn lấp và đốt, có những nơi việc xử lý chất thải chưa đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Trước đây, bãi rác Noong Bua nằm ở khu vực tổ dân phố 2, phường Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ) là nơi toàn bộ rác thải của thành phố được thu gom, tập kết. Lượng rác thải từ các hoạt động sinh hoạt, công nghiệp, hữu cơ và vô cơ đều được tập kết khiến bãi rác Noong Bua quá tải. Diện tích nhỏ hẹp, gần khu dân cư, công nghệ xử lý thủ công; rác thải, nước rỉ thải từ bãi rác bốc mùi hôi thối… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước, môi trường sống của người dân khu vực lân cận.

Vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 4/7 bãi chôn lấp (bãi chôn lấp TP. Điện Biên Phủ và tại các huyện: Mường Chà, Nậm Pồ, Tủa Chùa) chưa đáp ứng các quy định theo Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BKHCN-BXD ngày 18/1/2001của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng. Rác còn đổ lộ thiên hoặc bán lộ thiên, khi đầy thì lấp đất, có phun chế phẩm ngăn côn trùng, dịch bệnh.

Thực tế cho thấy, để xây dựng được một bãi chôn lấp, xử lý rác thải hợp vệ sinh, đầy đủ các bước từ san lấp, khử trùng, xử lý nước rỉ và các biện pháp kĩ thuật khác đạt yêu cầu đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn.

Tiêu chí khó thực hiện

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh, tiêu chí môi trường là một tiêu chí khó thực hiện, nhiều xã NTM vẫn nợ tiêu chí môi trường. Trong đó việc xử lý rác thải đúng theo quy định để đảm bảo môi trường vẫn đang là điều trăn trở của không ít địa phương.

Tiêu chí môi trường vẫn là tiêu chí khó thực hiện với xã nông thôn mới Thanh Chăn. Trong ảnh: Điểm thu gom rác thải sinh hoạt tại đội 2, bản Pom Mỏ.

Tiêu chí môi trường vẫn là tiêu chí khó thực hiện với xã nông thôn mới Thanh Chăn. Trong ảnh: Điểm thu gom rác thải sinh hoạt tại đội 2, bản Pom Mỏ.

Xã Thanh Chăn - xã điểm, cũng là xã đầu tiên của tỉnh cán đích NTM từ năm 2015. Đã 9 năm đạt chuẩn NTM nhưng hiện nay Thanh Chăn cũng gặp nhiều khó khăn trong xây dựng NTM nâng cao, nhất là tiêu chí về môi trường. Rác thải, vỏ bao bì thực vật sau khi sử dụng vẫn còn xả ra môi trường.

Ông Lò Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn cho biết: Khó khăn nhất hiện nay của xã trong tiêu chí môi trường là xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn nguy hại. Hiện nay người dân chưa có điều kiện và kỹ thuật trong xử lý nước thải sinh hoạt. Thứ hai là xử lý chất thải độc hại trong vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Mặc dù UBND xã đã xây dựng bể thu gom nhưng ý thức chấp hành của nhiều người dân chưa tốt. Rác thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp chưa được thu gom xử lý kịp thời, đúng cách dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Những vấn đề trên đã ảnh hưởng rất lớn đến xây dựng môi trường cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp.

Ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế; hành động xả rác sinh hoạt tùy tiện còn phổ biến ở nhiều xã.

Ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế; hành động xả rác sinh hoạt tùy tiện còn phổ biến ở nhiều xã.

Còn tại các xã vùng cao, cơ sở hạ tầng còn khó khăn, thiếu thốn và do ảnh hưởng từ tập quán, thói quen làm ảnh hưởng xấu tới môi trường sống. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế; hành động xả rác sinh hoạt tùy tiện còn phổ biến. Việc chăn nuôi gia súc thả rông, chất thải gia súc vương vãi xung quanh nhà và đường đi, gặp nắng bốc mùi, gặp mưa bị rửa trôi làm ô nhiễm nguồn nước. Trong khi đó, tại các hộ gia đình, chất thải, nước thải trong hoạt động chăn nuôi chưa được thu gom, xử lí khoa học, hầu như đều xả trực tiếp ra môi trường.

Khu vực xã vùng thấp có điều kiện hơn mà việc thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật còn hạn chế, thì đối với khu vực vùng cao còn trầm trọng hơn. Việc vứt rác bừa bãi là điều hết sức nguy hại cho môi trường, nhất là loại rác khó phân hủy, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới hệ sinh thái cũng như sức khỏe con người.

Bài 2: Nâng cao hiệu quả xử lý rác thải

Bài, ảnh: Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/217805/can-su-chung-tay-ca-cong-dong