Cần sự 'chung tay' cải cách kiểm tra chuyên ngành

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành, cơ quan hải quan đang khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động triển khai Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định 38/QĐ-TTg. Để đề án này đạt hiệu quả cần sự chung tay của các bộ, ngành, doanh nghiệp.

Cán bộ hải quan tiếp nhận giải quyết tờ khai nhập khẩu hàng thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Hải Anh

Cán bộ hải quan tiếp nhận giải quyết tờ khai nhập khẩu hàng thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Hải Anh

Thành lập Tổ triển khai thực hiện Đề án cải cách kiểm tra chuyển ngành

Theo Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành, để triển khai Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (Đề án KTCN) có tính chất cải cách đột phá, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cũng như các bộ, ngành cơ quan liên quan sẽ rất lớn, cần sự đồng bộ tham gia tích cực từ các bộ, ngành, lĩnh vực liên quan. Đồng thời, để đảm bảo tính khách quan, hiệu lực, hiệu quả của mô hình mới đặc biệt cần có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội trong quá trình triển khai.

Trên thực tế, ngay khi Quyết định 38/QĐ-TTg được Chính phủ ký ban hành (có hiệu lực từ ngày 12/1/2021) Tổng cục Hải quan khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động triển khai đề án KTCN trình Bộ Tài chính xem xét sớm ban hành.

Đáng chú ý, tại 38/QĐ-TTg, Tổng cục Hải quan được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng phải gấp rút thực hiện.

Để triển khai các nội dung cải cách, Quyết định 38/QĐ-TTg chỉ đạo thành lập Tổ triển khai thực hiện Đề án KTCN. Thành phần, Tổ trưởng giao cho Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Các thành viên là đại diện lãnh đạo cấp tổng cục, vụ, cục thuộc các bộ quản lý ngành, lĩnh vực; đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.

Quyết định 38/QĐ-TTg nêu rõ nhiệm vụ, của tổ công tác bao gồm: Tổ chức, triển khai đề án theo đúng các mục tiêu, đảm bảo hiệu quả và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; tham mưu xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền nghị định và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai đề án.

Về mặt thể chế, tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng quy trình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu; xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan và các cơ quan kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, tổ công tác có trách nhiệm xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin, hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN để đảm bảo thông tin trên hệ thống được minh bạch đầy đủ. Công khai kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, công bố danh sách hàng hóa, nhà nhập khẩu được chuyển đổi phương thức kiểm tra trên cổng thông tin một cửa quốc gia.

Đáng chú ý, tại Quyết định 38/QĐ-TTg, Chính phủ giao tổ công tác trách nhiệm bố trí nguồn lực để thực hiện việc kiểm tra chất lượng, việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu; xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo chuyên môn, kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo mô hình mới.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hiện đại, điều kiện làm việc và nguồn lực tương xứng với nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hàng hóa nhập khẩu tại các cửa khẩu.

Bên cạnh đó, tổ công tác còn chịu trách nhiệm và báo cáo Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) về tiến độ và kết quả công việc triển khai Đề án KTCN.

Đề cao vai trò các bộ ngành tham gia cải cách KTCN

Quyết định 38/QĐ-TTg khẳng định mục tiêu xuyên suốt của đề án KTCN nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, Chính phủ cũng đề cao vai trò, trách nhiệm các bộ, ngành tham gia cải cách KTCN.

Quyết định 38/QĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, lĩnh vực liên quan có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại đề án. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện của tổ chức chứng nhận/giám định theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đề án ở các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương mình. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng, về an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu; xây dựng chính sách pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa.

Đồng thời, các bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan (cơ quan được Chính phủ giao chủ trì triển khai đề án) tích cực triển khai thực hiện đề án.

Cụ thể, triển khai xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về quản lý rủi ro trong kiểm tra kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để chia sẻ, tích hợp thông tin giữa các bên tham gia về chất lượng, an toàn thực phẩm và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những lô hàng nhập khẩu không đạt chất lượng, an toàn thực phẩm; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ hải quan thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu.

Ngoài ra, các bộ, ngành có trách nhiệm có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong việc triển khai một số nhiệm vụ quan trọng, nhằm đảm bảo việc triển khai đề án đạt hiệu quả.

Đó là, ban hành và công bố trên cổng thông tin một cửa quốc gia: Danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm kèm mã HS ở cấp độ chi tiết nhất; tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục.

Chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp/giám định và các đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan có đủ năng lực thực hiện chứng nhận/giám định theo quy định.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm của các cơ quan liên quan, tổ chức và doanh nghiệp…

Nghiên cứu, áp dụng truy xuất nguồn gốc, kiểm tra tại nguồn; áp dụng việc thừa nhận, công nhận chất lượng của những mặt hàng nhập khẩu được sản xuất theo công nghệ tiên tiến và có xuất xứ từ những nước, vùng lãnh thổ có tiêu chuẩn chất lượng cao để giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra./.

Ngọc Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2021-01-16/can-su-chung-tay-cai-cach-kiem-tra-chuyen-nganh-98407.aspx