Cần sự chung tay của xã hội chăm sóc nạn nhân chất độc da cam

Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương, mất mát bởi chiến tranh vẫn còn đó. Năm 1961, Mỹ bắt đầu rải thảm chất độc da cam (một trong những hóa chất độc hại nhất đối với con người từng được biết đến) xuống nhiều vùng đất của Việt Nam nhằm giành ưu thế trong chiến tranh.

Chất độc da cam đã làm môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn. Theo thống kê từ các chuyên gia nghiên cứu: Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam hơn 80 triệu lít các chất độc hóa học, trong đó có khoảng 60% là chất độc da cam, có chứa 336kg dioxin. Dioxin là chất cực độc, chỉ cần 10mg pha trong nước có thể giết chết cả triệu con người. Các loại chất độc hóa học được rải lặp lại rất nhiều lần, số lượng và nồng độ gấp hàng nghìn lần sử dụng trong nông nghiệp trước năm 1970. Chất độc hóa học đã làm cho gần 5 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm; trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân. Cả nước đã có hàng chục vạn người chết, hàng triệu người mắc bệnh nan y, mang nhiều chứng bệnh hiểm nghèo do chất độc da cam... Cuộc sống của những nạn nhân chất độc da cam vô cùng khó khăn, thiếu thốn do bị nhiều dị tật, nhiều trường hợp mất ý thức, không có cơ hội tham gia thị trường lao động.

Chăm sóc trẻ khuyết tật do chất độc da cam tại Làng Hòa Bình. Ảnh: TTXVN.

Chăm sóc trẻ khuyết tật do chất độc da cam tại Làng Hòa Bình. Ảnh: TTXVN.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, cũng như các cấp chính quyền đã có nhiều nỗ lực trong ban hành chính sách cũng như tổ chức các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin, ngày 14-5-2015, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW (Chỉ thị 43) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và toàn hệ thống chính trị đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và hoạt động của tổ chức hội các cấp. Theo đó, Chỉ thị nêu rõ, công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe của con người là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, là trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 43, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đã nhận thức sâu sắc, quan tâm hơn đến việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Chế độ, chính sách đối với nạn nhân được bảo đảm đúng quy định; nhiều chế độ, chính sách tiếp tục được bổ sung, sửa đổi phù hợp, kịp thời. Công tác tuyên truyền, vận động, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được phối hợp triển khai chặt chẽ, kiên trì, bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ.

 Lớp học vẽ của các nạn nhân chất độc da cam tại Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN.

Lớp học vẽ của các nạn nhân chất độc da cam tại Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN.

Mặc dù Đảng, Nhà nước, cũng như các cấp chính quyền đã có nhiều nỗ lực trong ban hành chính sách cũng như tổ chức chăm sóc nạn nhân chất độc da cam nhưng với những di chứng nặng nề, khả năng bị nhiễm chất độc da cam truyền qua nhiều thế hệ đang gây ra nhiều khó khăn cho các gia đình có nạn nhân chất độc da cam. Hiện nay, chất độc da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3, thứ 4 tại Việt Nam. Những nạn nhân chất độc da cam thế hệ này hầu hết đều bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật, nhưng đối tượng này chỉ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội, không có điều kiện để chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng.

Tại tọa đàm “Khát vọng vươn lên” được tổ chức tối 9-8, tại Hà Nội, kỷ niệm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, để khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin đối với môi trường và con người, đặc biệt giảm thiểu nỗi đau, gánh nặng cho gia đình các nạn nhân chất độc da cam không phải là câu chuyện có thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Công tác này đòi hỏi sự nỗ lực đến từ nhiều bên, từ việc hoàn thiện chính sách sao cho phù hợp với tình hình thực tế, đến việc huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác chăm sóc nạn nhân chất độc da cam. Hiện nay, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đang có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác huy động nguồn lực xã hội. Ngay trong tháng 7-2020, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác về việc “Hỗ trợ gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và vận động tài trợ cho nạn nhân chất độc da cam công cụ sản xuất và dụng cụ, thiết bị phục vụ cuộc sống”. Theo thỏa thuận, hai bên cùng xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện vào đầu mỗi quý; cùng tuyên truyền các nội dung phối hợp trên các phương tiện truyền thông của Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chỉ đạo các tỉnh, thành Hội lựa chọn những gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đề xuất hỗ trợ, giúp đỡ; Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kêu gọi các Hội doanh nhân trẻ địa phương hưởng ứng, triển khai chương trình… Đây có thể coi là chương trình hợp tác mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc, giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ với những gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng thời là cầu nối để các doanh nghiệp trong nước có điều kiện tiếp cận, giúp đỡ thiết thực cho nạn nhân chất độc da cam.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung tay của xã hội, những đau thương, mất mát của các gia đình nạn nhân chất độc da cam sẽ phần nào được vơi bớt đi, để họ có một cuộc sống mới với khát vọng vươn lên, vượt qua những di chứng của chiến tranh để lại, xây dựng cuộc sống phát triển.

BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/can-su-chung-tay-cua-xa-hoi-cham-soc-nan-nhan-chat-doc-da-cam-631200