Cần sự gương mẫu, trung thực, tránh hình thức
Tăng cường kiểm tra gắn với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn chặn, đầy lùi tham nhũng. Tuy nhiên, rất cần sự gương mẫu, trung thực, tránh hình thức của người kê khai và cả người kiểm soát việc kê khai.
Việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản là vấn đề không mới, được Đảng quy định. Thế nhưng, nếu thực hiện không tốt, làm qua loa, đại khái, làm cho có sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường, làm giảm lòng tin trong quần chúng nhân dân đối với tổ chức đảng và cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để xảy ra tham nhũng.
Nhiều vụ việc hiện vẫn đang được lực lượng chức năng tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không ít người dân quan tâm là, cần những giải pháp mạnh hơn, căn cơ hơn nữa để ngăn ngừa cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, người có chức vụ trong các cơ quan, đơn vị cố tình tham nhũng. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, người có chức, có quyền đi vào thực chất, trung thực, hiệu quả.
Thanh tra tỉnh cho biết, đã thực hiện bốc thăm ngẫu nhiên 43 cán bộ thuộc 12 cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh để thực hiện xác minh thu nhập trong năm 2023. Việc bốc thăm này nằm trong kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
Nội dung xác minh của 43 cán bộ thuộc 12 cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh gồm: Xác minh tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng nội dung bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai và xác minh tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm .
Ông Lương Bảo Toàn, Chánh Thanh tra tỉnh cho biết, việc xác minh tài sản của 43 cán bộ kể trên hoàn thành trong năm 2023.
Kết quả của việc xác minh tài sản của 43 cán bộ như thế nào rồi đây sẽ rõ, nhưng cán bộ, đảng viên và người dân trong tỉnh không khỏi băn khoăn khi mới đây, Ủy ban Tư pháp tiến hành phiên họp toàn thể thẩm tra các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng năm 2023. Cuộc họp thông tin, có 54 cán bộ bị xử lý do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.
Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 65.910 cán bộ, đảng viên thuộc diện phải kê khai tài sản; trong đó, có 65.817 cán bộ, đảng viên đã thực hiện kê khai.
Tiếp đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, kỷ luật và đã kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ do vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập...
Đây là bài học đắt giá đối với cán bộ trong diện phải thực hiện quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước xung quanh vấn đề kê khai tài sản.
Không ít cán bộ, đảng viên và người dân trong tỉnh cho rằng, qua trường hợp của ông Lê Đức Thọ và đâu đó ở các cơ quan, đơn vị, địa phương còn trường hợp không trung thực kê khai tài sản chưa bị phát hiện, cần điều chỉnh thái độ và hành vi của mình.
Với quyết tâm cao nhất phòng, chống tham nhũng đạt kết quả, bên cạnh tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng gắn với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo chủ chốt, cán bộ có chức quyền… nhiều vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong tỉnh cũng đã được chuyển đổi. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, có 10 đơn vị ở tỉnh thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 76 công chức, viên chức.
Phòng, chống tham nhũng là vấn đề liên tục, lâu dài và rất cần sự gương mẫu của người đứng đầu, sự trung thực, tránh hình thức của người được kiểm soát, người kê khai tài sản và sự vào cuộc của lực lượng chức năng. Đó mới là vấn đề người dân cần và kỳ vọng.